Đại lộ Hàm Nghi, một trong những tuyến phố nổi bật nhất tại trung tâm Sài Gòn, không chỉ là chứng nhân của những biến đổi lịch sử mà còn là biểu tượng của sự phát triển đô thị. Từ những ngày đầu thế kỷ 17, khi còn là con rạch Cầu Sấu, đến khi trở thành con đường chính với những tên gọi khác nhau qua các giai đoạn lịch sử, Đại lộ Hàm Nghi đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của thành phố.
SỰ XUẤT HIỆN CỦA ĐẠI LỘ HÀM NGHI
Khu vực trung tâm Sài Gòn ngày nay, vào cuối thế kỷ 17, từng là thành bát quái (hay còn gọi là thành Phiên An, thành Quy), được bao quanh bởi hệ thống kênh rạch và hào sâu. Sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi năm 1835, thành Gia Định bị bỏ hoang, và nhiều con kênh rạch quanh thành đã bị lấp để tạo ra những con đường hiện nay. Tuy nhiên, một số rạch dẫn ra sông Sài Gòn, như rạch Cầu Sấu, vẫn tồn tại, nhưng sau này cũng bị lấp đi để hình thành đại lộ Hàm Nghi.
Đại lộ Hàm Nghi, nằm ở Quận 1 Sài Gòn, chỉ dài gần 1km với bề rộng mặt đường khoảng 56m. Con đường này đi qua các ngã tư với Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Pasteur, Tôn Thất Đạm, Võ Di Nguy (nay là Hồ Tùng Mậu), Phủ Kiệt (nay là Hải Triều) và hướng về phía sông Sài Gòn tại Bến Bạch Đằng (nay là Tôn Đức Thắng).
Đại lộ Hàm Nghi ngày xưa vốn là một con rạch tự nhiên mang tên Cầu Sấu, có lẽ được gọi như vậy từ giữa thế kỷ 19, do khu vực này từng có nhiều trại nuôi và xẻ thịt cá sấu. Sau khi Pháp chiếm đóng Sài Gòn, họ đã xây dựng hai con đường dọc hai bên rạch và đặt tên là đường số 3 vào năm 1863.
Khi đó, rạch này nối liền kinh Chợ Vải (còn gọi là kinh Lớn) và kinh Coffyn. Cả ba kênh rạch này sau đó đều bị lấp để trở thành những đại lộ như ngày nay, gồm Hàm Nghi, Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Chợ Bến Thành cũ (sau này được gọi là Chợ Cũ) từng là nơi giao thoa giữa rạch Cầu Sấu và kinh Lớn, nay là đại lộ Nguyễn Huệ.
Đại Lộ Thống Nhứt: Hành Trình Qua Các Thế Kỷ Của Sài Gòn
Vào năm 1865, hai con đường chạy dọc hai bên rạch Cầu Sấu được đổi tên, với đường phía bắc rạch mang tên Canton, và đường phía nam rạch được gọi là Dayot. Đến năm 1870, người Pháp quyết định lấp rạch Cầu Sấu, hợp nhất hai con đường này và đặt tên chung là Canton. Tên này có nguồn gốc từ “Quảng Đông,” phản ánh việc có rất đông người Hoa gốc Quảng Đông sinh sống và kinh doanh tại khu vực này vào nửa cuối thế kỷ 19. Khu trung tâm thương mại Sài Gòn lúc đó, xung quanh Chợ Cũ, cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa của cộng đồng người Hoa.
Những Hội Quán Người Hoa Ở Sài Gòn – Chợ Lớn: Hòa Nhập Văn Hóa Và Bảo Tồn Truyền Thống
Vào ngày 24 tháng 2 năm 1897, hai con đường lại được tách ra với một tiểu đảo ở giữa. Con đường phía Bắc được đặt tên là Krantz, trong khi con đường phía Nam mang tên Duperré. Cả Krantz và Duperré đều là tên của hai vị đô đốc từng giữ chức Thống đốc Nam Kỳ trong khoảng thời gian từ năm 1874 đến 1877.
Vào ngày 22 tháng 4 năm 1920, chính quyền hợp nhất hai con đường lại thành một và đặt tên là de la Somme. Đến năm 1955, con đường này được đổi tên thành Hàm Nghi, lấy theo tên của vị vua và đã giữ nguyên tên gọi cho đến ngày nay.
ĐẠI LỘ HÀM NGHI VÀO NHỮNG NĂM CHUYỂN GIAO THẾ KỶ
Nếu tính từ đầu đường Hàm Nghi, nơi tiếp giáp với sông Sài Gòn, thì đại lộ Hàm Nghi nằm liền kề với Bến Bạch Đằng và đại lộ Nguyễn Huệ. Tại vị trí trung tâm này, tòa nhà Tổng Nha Quan Thuế trước đây, nay là trụ sở Chi cục Hải Quan, cũng tọa lạc ở đó.
Ban đầu, tại vị trí này, có một tòa nhà do ông Wang Tai (Vương Thái) xây dựng vào năm 1867. Tòa nhà từng là trụ sở tạm thời của tòa thị trưởng Sài Gòn trong vài tháng, sau đó được sử dụng làm văn phòng thương mại và sau này trở thành khách sạn Cosmopolitan.
Đến năm 1882, chính quyền Pháp ở Sài Gòn đã mua lại tòa nhà này để cải tạo thành các văn phòng thuế vụ. Tuy nhiên, do tòa nhà cũ không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, nó đã bị phá bỏ và thay thế bằng một công trình mới do kiến trúc sư Foulhoux thiết kế. Tòa nhà mới hoàn thành vào năm 1887 và được gọi là Hôtel des Douanes. Kiến trúc này vẫn tồn tại nguyên vẹn cho đến ngày nay, sau hơn 130 năm.
Kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892) đã thiết kế nhiều công trình nổi tiếng khác ngoài tòa nhà Wang Tai, trong đó có những công trình vẫn còn tồn tại đến ngày nay như Bưu điện Sài Gòn, Dinh Thượng Thơ, Dinh Gia Long, và Tòa án trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay.
Tại vị trí đầu đường Hàm Nghi, khi con đường vẫn mang tên Canton, tòa nhà Wang Tai từng là nơi đặt ga xe lửa đầu tiên của Sài Gòn, đánh dấu điểm xuất phát cho tuyến đường sắt đầu tiên của thành phố.
Tuyến đường sắt này được khai trương vào năm 1881, nối liền Sài Gòn và Chợ Lớn, và được biết đến với tên gọi “đường trên” (route haute). Tuyến xe lửa bắt đầu từ Canton, nằm đối diện tòa nhà Wang Tai bên sông Sài Gòn, chạy dọc theo đường Arroyo Chinois (sau này là Bến Chương Dương), tiếp tục qua đường Nemesis (nay là Phó Đức Chính), rồi rẽ lên đường Marchaise (nay là Ký Con). Tuyến đường sau đó tiếp tục qua route haute de Cholon (nay là Nguyễn Trãi) và route Strategic (nay là Hùng Vương – Trần Phú) để đến Chợ Lớn.
Khoảng 10 năm sau, ga xe lửa ở đầu đường Hàm Nghi đã bị hạ cấp thành trạm và được di dời vào bên trong đường Canton, hiện nay là vị trí của trạm xe buýt trung tâm Sài Gòn (Hàm Nghi Bus Depot). Trạm này nằm giữa đường Hàm Nghi, gần chợ Bến Thành.
Tìm hiểu: Đại Lộ Lê Lợi – Khám Phá Nét Đẹp Lịch Sử Và Văn Hóa Của Sài Gòn
Nhà ga này là điểm xuất phát của tất cả các tuyến đường sắt tại Sài Gòn, bao gồm tuyến Sài Gòn – Chợ Lớn (cả đường trên và đường dưới), cũng như các tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho, và Sài Gòn – Gò Vấp (sau đó mở rộng đến Hóc Môn và tiếp tục tới Lái Thiêu). Đến những năm 1980, vẫn còn thấy các đoạn đường ray xe lửa nằm chính giữa đại lộ Hàm Nghi.
Sau khi chợ Bến Thành mở cửa vào năm 1914, một nhà ga xe lửa lớn hơn đã được xây dựng đối diện chợ. Nhà ga này tiếp tục hoạt động cho đến năm 1978, khi nó được giải tỏa để chuyển hoạt động sang ga Bình Triệu (ga tạm) và sau đó là ga Hòa Hưng như hiện tại. Vị trí của nhà ga cũ ngày nay là toàn bộ khuôn viên công viên 23/9.
Từ đầu đường tại Bến Bạch Đằng, di chuyển vào trong một chút sẽ đến vị trí quan trọng nhất của đại lộ vào cuối thế kỷ 19, đó là Chợ Cũ. Nơi đây nằm tại giao điểm của ba con đường hiện nay là Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu, và Hải Triều, và hiện tại là vị trí của tòa nhà Bitexco 68 tầng. Khu vực này kéo dài đến đại lộ Nguyễn Huệ (trước đây là Charner).
Tên gọi “Chợ Cũ” xuất phát từ việc đây từng là chợ lớn nhất ở Sài Gòn. Sau khi người Pháp xây dựng chợ Bến Thành vào đầu thế kỷ 20 tại vị trí hiện nay, chợ Cũ bị giải tán, nhưng vẫn còn nhiều cửa hàng và hoạt động buôn bán tại khu vực, nên vẫn được gọi là Chợ Cũ. Trên thực tế, mặt tiền của chợ Cũ nằm bên đường Nguyễn Huệ, nơi hiện tại là Kho Bạc Sài Gòn. Tuy nhiên, khu vực của chợ Cũ kéo dài đến các khu vực Võ Di Nguy, Hàm Nghi, và Phủ Kiệt sau này.
Trước năm 1955, đường Hồ Tùng Mậu được gọi là Rue d’Adran, và từ năm 1955 đến 1975, nó mang tên Võ Di Nguy. Đường Hải Triều hiện nay trước đây chỉ là một con hẻm không tên, và vào năm 1926, nó được đặt tên là đường Phủ Kiệt, theo tên của đốc phủ sứ Trần Văn Kiệt. Tên đường này được giữ đến năm 1985, trước khi được đổi thành Hải Triều.
Một vị trí đặc biệt nằm ở góc đường hiện nay là Hàm Nghi – Hải Triều, nơi hiện tại có tòa nhà Bitexco Financial Tower 68 tầng, từng là tòa nhà cao nhất Việt Nam. Vị trí này nằm phía sau Chợ Cũ (Chợ Bến Thành cũ), khi chợ được di dời từ khu vực gần cột cờ thủ ngữ.
Vào năm 1914, chợ Bến Thành mới (chợ hiện tại) được xây dựng, và khu vực chợ cũ được giải tỏa để xây dựng quảng trường Gambetta, đặt theo tên của Léon Gambetta, thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp từ năm 1881 đến 1882. Tượng đài của Gambetta, trước đó nằm ở ngã tư Norodom – Pellerin (nay là Lê Duẩn – Pasteur), được di dời về trung tâm quảng trường này, và hiện tại vị trí đặt tượng Gambetta chính là nơi tọa lạc của tòa nhà Bitexco.
Lịch Sử Đại Lộ Trần Hưng Đạo – Trục Đường Huyết Mạch Nối Sài Gòn Và Chợ Lớn
Tuy nhiên, tượng đài Gambetta không ở lại quảng trường lâu, mà sau đó được chuyển đến Vườn Ông Thượng (nay là công viên Tao Đàn). Khu quảng trường được quy hoạch lại để xây dựng Trésor public (kho bạc), thay thế cho kho bạc cũ nằm ở đầu đường Catinat (vị trí của Khám Catinat nổi tiếng). Ngày nay, tòa nhà kho bạc này vẫn tồn tại, tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, gần cạnh với cao ốc Bitexco ở giao điểm đường Hàm Nghi – Hải Triều.
Phía sau tòa nhà kho bạc (nơi tượng đài đã được chuyển đi) đã được xây dựng một dãy nhà thương mại, như thể hiện trong hình dưới đây: