ĐẠI LỘ CHARNER – CUNG ĐƯỜNG CÀ PHÊ VÀ BÁNH MÌ CỦA SÀI GÒN XƯA

Dạo bước trên những con đường thân quen của Sài Gòn, chắc hẳn ta sẽ dễ dàng gặp ngay những gánh bánh mì rong ruổi khắp đường phố hay những quán cà phê cóc bên lề đường. Những hình ảnh ấy dường như in mãi trong tim và trở thành một phần ký ức không thể quên của người Sài Gòn. 

Đâu đó luôn văng vẳng trong tai với tiếng chào gọi quen thuộc “Bánh mì Sài Gòn, 2 ngàn một ổ…” hay những lần ngồi cạnh khung cửa sổ của một quán cà phê nhỏ bên đường nhìn ngắm dáng vẻ tấp nập, nhộn nhịp của Sài Gòn ngoài kia. Đâu đó vẫn phảng phất hình ảnh thân thương về Đại lộ Charner “Đại lộ cà phê và phố bánh mì”.

NHỮNG HÌNH ẢNH CỦA ĐẠI LỘ CHARNER Ở SÀI GÒN XƯA

Một trong những địa điểm nổi tiếng với những quán cà phê quen thuộc, hình thành nên đại lộ cà phê nổi tiếng nhất Sài Gòn bấy giờ, nằm trên đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ).

Đại lộ Charner vào năm 1880.
Đại lộ Charner vào năm 1880.

Tên ban đầu của con đường này Kinh Chợ Vải, sau đó được đổi thành kinh Charner, rồi đến đại lộ Charner. Hiện nay, con đường này có tên là Nguyễn Huệ. Đại lộ Charner ngày ấy tấp nập các hàng ăn hay các quán nước luôn đông đúc người đến từ sáng sớm đến tối muộn. 

Chợ Bến Thành là một trong những địa điểm nổi tiếng về những gánh bánh mì hay những phố cà phê dọc hai bên đường, tập trung trên các con đường Nguyễn Huệ, Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế,…

Cafe Restaurant De Marseille vào năm 1882 trên đại lộ Charner thời bấy giờ.
Cafe Restaurant De Marseille vào năm 1882 trên đại lộ Charner thời bấy giờ.

Đại lộ Charner là đại lộ cà phê đầu tiên tại Sài Gòn, những hạt cà phê đầu tiên được trồng tại miền Bắc và được nhập khẩu, trở thành những ly cà phê thơm ngon được bán đầu tiên tại Sài Gòn. 

Bên cạnh đó, cung đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) là một trong những địa điểm nổi tiếng với các hàng quán cà phê bấy giờ. Catinat là một trong những cung đường nổi tiếng, được người Pháp ưu tiên xây dựng Sài Gòn với kiến trúc đậm chất Pháp.

Cung đường Catinat thời bấy giờ.
Cung đường Catinat thời bấy giờ.

Trước đó, kinh Charner tạo ra hai đường riêng biệt và chợ Bến Thành nằm riêng biệt trên một con đường. Tuy nhiên, sau đó con kinh Charner này đã bị lấp lại vào năm 1887 và trở thành đại lộ Charner rộng lớn và là nơi tập trung đông đúc người đến hằng ngày.

Từ khi khu chợ được giải phóng và nơi này được nhập lại thành một, các hàng quán cà phê hay những quán ăn, hàng bán bánh mì tại nơi này mọc ra như nấm và trở nên nhộn nhịp hơn mỗi ngày. Từ đó, đại lộ Charner trở thành trung tâm của những hàng quán đồ ăn, những nhà hàng sang trọng và trở thành đại lộ cà phê tấp nập người qua lại mỗi ngày.

“ĐẠI LỘ CÀ PHÊ VÀ PHỐ BÁNH MÌ” SỐNG ĐỘNG GIỮA LÒNG SÀI GÒN XƯA

Chắc hẳn những tiếng rao quen thuộc như “Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm ngon…” hay những quán cà phê nhỏ thân quen bên lề đường luôn là hình ảnh quen thuộc của người dân Sài Gòn.

Đại lộ cà phê – Nơi dừng chân quen thuộc các “Đấng mày râu”

Sài Gòn – mảnh đất của nền văn hóa ẩm thực phong phú. Nơi đây nổi tiếng với những con đường, những góc phố quen thuộc hay những món ăn ngon chỉ nếm một lần là nhớ mãi. Sài Gòn còn nổi tiếng với các quán cà phê cóc lề đường, những quán cà phê sáng sớm tại mỗi góc đường nằm tại trung tâm Sài Gòn luôn là lựa chọn hàng đầu cho một buổi sáng đầy tỉnh táo của các “đấng mày râu”.

Đại lộ cà phê những năm trước giải phóng.
Đại lộ cà phê những năm trước giải phóng.

Những hàng quán cà phê trước kia nằm trên đường chợ Bến Thành cũ, mọi người khi đi chợ đều ghé đến nhâm nhi một ly cà phê sáng, hay dọc trên con đường tại chợ, có các hàng quán ăn như các quán hủ tíu, bánh mì,…

Đến khi hai con đường bên kinh nhập lại thành một, các hàng quán tại đây trở nên tấp nập hơn, các quán cà phê bắt đầu nhộn nhịp, dần dà các hàng quán tại đây mọc lên như nấm.

Những hàng quán cà phê của Sài Gòn xưa.
Những hàng quán cà phê của Sài Gòn xưa.

Cà phê trở thành một trong những thức uống quen thuộc với những vị khách đường xa lẫn cả những khách tại Sài Gòn luôn tin dùng. Dần có những quán cà phê lớn mọc lên trên trung tâm của đường phố Sài Gòn. Từ đó, hình thành nên “Đại lộ cà phê” nổi tiếng tại Sài Gòn. Cà phê vợt trở thành đặc sản của Sài Gòn. 

Hình ảnh các “đấng mày râu” đang nhâm nhi ly cà phê bên đường tại trung tâm Sài Gòn.
Hình ảnh các “đấng mày râu” đang nhâm nhi ly cà phê bên đường tại trung tâm Sài Gòn.

Mỗi buổi sáng sớm, khắp các đường phố tại trung tâm Sài Gòn như góc phố tại nhà thờ Đức Bà, dọc trên đường phố đi bộ Nguyễn Huệ hay trên các con đường trên Bưu điện thành phố, dọc theo đường sách Nguyễn Văn Bình đều có những quán “cà phê bệt” mà các bạn trẻ thường hay ghé đến. 

Phố bánh mì – Nơi lưu giữ văn hóa ẩm thực Việt Nam

Bánh mì là một trong những nền văn hóa ẩm thực đặc trưng của Việt Nam. Bánh mì hiện nay được đưa vào danh sách những món ăn riêng của Việt Nam và được thế giới công nhận.

Trước kia những gánh bánh mì được tạo ra nhằm để phục vụ binh lính thực dân Pháp. Nhưng khi bánh mì chính thức tung hoành Sài Gòn đã vượt lên những xe hủ tiếu của người Hoa hay những gánh xôi của người Việt.

“Phố bánh mì” của Sài Gòn xưa đông đúc người qua lại.
“Phố bánh mì” của Sài Gòn xưa đông đúc người qua lại.

Từ đó, bánh mì đã trở nên phổ biến khắp nơi, bắt đầu đổ bộ xuống các tỉnh ở khu vực miền Nam, trở thành món ăn đặc sản. Được người Việt ưa chuộng nhất vì sự tiện lợi và dễ ăn. 

Bánh mì sau này trở thành thức ăn được chế biến bằng nhiều cách. Có thể ăn mặn, ăn chay, ăn ngọt khác nhau và mỗi miền sẽ chế biến khác nhau. Tạo ra sự đa dạng và sáng tạo cho món ăn. 

Khu chợ đông đúc ở Sài Gòn ngày xưa, bên cạnh là các hàng quán đồ ăn, hàng bánh mì.
Khu chợ đông đúc ở Sài Gòn ngày xưa, bên cạnh là các hàng quán đồ ăn, hàng bánh mì.
Góc nhìn từ bên trong cửa hàng bánh mì nhìn ra, bánh mì tại đây được ăn kèm với đồ hộp Mỹ.
Góc nhìn từ bên trong cửa hàng bánh mì nhìn ra, bánh mì tại đây được ăn kèm với đồ hộp Mỹ.
Một cửa hàng bánh mì xưa nằm tại trung tâm đại lộ Charner ngày xưa.
Một cửa hàng bánh mì xưa nằm tại trung tâm đại lộ Charner ngày xưa.

Quay ngược thời gian trở lại với những năm trước giải phóng, ta có thể thấy những hình ảnh của Sài Gòn xưa luôn in đậm trong trái tim của mỗi người dân Sài Gòn. Cho đến nay đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) nằm tại trung tâm quận 1 đã có nhiều thay đổi.

Song, nơi đây vẫn giữ lại những giá trị văn hóa như những hàng quán cà phê ven đường mỗi buổi sáng hay những gánh bánh mì lề đường tấp nập người mua. 

Đỡ Buồn đã lục tìm lại những hình ảnh tươi đẹp của đại lộ Charner ngày xưa. Cung đường nổi tiếng với “đại lộ cà phê” và “phố bánh mì”. Nếu một lần ghé thăm Sài Gòn, bạn hãy đến con đường Nguyễn Huệ (quận 1) ngày nay để tận hưởng những không khí Sài Gòn và gặp gỡ những con người thân thiện tại đây nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo
Hotline
Zalo Zalo
Hotline Hotline