Có dịp đến Sài Gòn không thể không dành thời gian để ghé qua Bưu điện Thành Phố. Được hoàn thành vào năm 1891, Bưu điện Thành Phố đã được đưa vào sử dụng và là một trong số ít công trình biểu trưng lâu đời còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.
TIỀN THÂN CỦA BƯU ĐIỆN TRUNG TÂM SÀI GÒN NGÀY NAY
Trong thời kỳ chiến tranh và cả ngày nay, thông tin luôn là yếu tố đặc biệt chủ chốt trong hầu hết mọi hoàn cảnh. Một thông tin giá trị, kịp thời có thể xoay chuyển cả cục diện lúc bấy giờ. Vì vậy ngay khi người Pháp vào được Sài Gòn họ đã thiết lập một trung tâm liên lạc để chủ động liên lạc và nắm bắt tình hình thực tế trong mọi trường hợp.
Vào những ngày cuối năm 1860 người dân Sài Gòn vẫn hay bảo nhau về cái “Sở dây thép” nghe thì tưởng chừng như là một nơi giam giữ và bắt tội nhưng kì thực nó là tiền thân của bưu điện Sài Gòn vào thời đó. Những ngày đầu tiên đi vào hoạt động sở dây thép chỉ bao gồm chức năng trao đổi thư từ trong nước. Vị trí giám đốc bưu điện An Nam lần đầu do một người Việt đảm nhận là ông Phạm Văn Trung. Sở dây thép được đặt tại vị trí nằm trên đường số 16 sau được đổi tên thành Catinat, Tự Do (nay là Đồng Khởi).
Ngay sau đó, vào ngày ngày 13/1/1863, Sở dây thép Sài Gòn được khánh thành và lần đầu phát hành con tem đầu tiên. Mà người Sài Gòn khi đó vẫn thường gọi là con tem “con cò”. Trên tem in một con đại đại bàng. Sau đó con tem thường được người dân sử dụng từ năm 1864 cho việc gửi thư từ Việt Nam ra khắp thế giới.
Ban đầu, Sở dây thép Sài Gòn còn khá thô sơ, cho đến khi nhà thờ Đức Bà được hoàn thành vào năm 1880 thì người Pháp dự định sẽ sửa sang và xây lại Sở dây thép trở thành một tòa nhà bưu điện với quy mô to lớn hơn. Để trở nên phù hợp với vị trí trung tâm Sài Gòn và nâng cao hiệu suất hoạt động.
Sở dây thép Sài Gòn được chính thức xây dựng và đổi mới trong khoảng năm 1886–1891 với đồ án thiết kế mạng đậm phong cách Châu Âu của kiến trúc sư Foulhoux và người phụ tá của ông. Ngoài ra Foulhoux còn là người thiết kế các công trình khác như Tòa Pháp Đình, Dinh Gia Long… Công trình là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phong cách phương Tây và nét trang trí phương Đông.
BƯU ĐIỆN SÀI GÒN – DẤU ẤN DIỄM LỆ CỦA SÀI GÒN CŨ
Tòa nhà được trang trí theo đường nét đặc trưng của tân baroque xen kẽ với đó là họa tiết của các dân tộc. Đặc biệt kiến trúc xây dựng phía trước tòa nhà độc đáo với các ô hình chữ nhật với bên trong là tên các nhà phát minh, chính trị gia có tầm ảnh hưởng lúc bấy giờ. Trên các ô là các hình nam nữ mang vòng nguyệt quế, vòng cung tòa nhà được trang trí bởi một chiếc đồng hồ lớn. Một số cái tên được ghi danh phía trước bưu điện có thể kể đến như:
- Samuel MORSE (1791-1872): Nhà khoa học Mỹ đã phát minh ra điện tín;
- Vua LOUIS XI (1461-1483): Là người đã đưa vào vận hành chuyển phát nhanh bằng ngựa từ năm 1464, đặt nền móng đầu tiên cho hệ thống bưu điện hiện đại của Pháp;
- Hans Christian OERSTED (1777-1851): Nhà khoa học Đan Mạch, tiên phong nghiên cứu điện từ học.
Đối diện với bưu điện Sài Gòn là công trình nhà thờ Đức Bà, hai công trình lộng lẫy bổ trợ lẫn nhau càng làm toát lên vẻ đẹp độc đáo đầy ấn tượng. Các kiến trúc tại bưu điện Sài Gòn được bố trí xây dựng cẩn thận với tính giá trị thẩm mỹ cao, vì thế luôn xứng tầm là trung tâm của thành phố. Các chi tiết được bố trí hài hòa cân đối với việc chia đều cho hai bên và cùng nhau đối xứng qua trục trung tâm.
Mặt tiền được thiết kế dạng hình khối, với trên cửa là các vòm cung được bài trí hài hòa. Các mái hiên, cột, trụ chính, phụ đều được xây dựng dựa trên hình khối vuông. Trên mỗi đầu trụ, cột ở tòa nhà luôn được điêu khắc hoa văn, trang trí đầy tính nghệ thuật. Phía trước tòa nhà có hệ thống các đường viền, bao gồm các hoa văn độc đáo được bố trí chạy ngang tòa nhà tạo cho bưu điện Sài Gòn một vẻ ngoài cân đối và hài hòa.
Phía trong tòa nhà được xây dựng với các vòm cung sát cửa chính và vòm cung dài bên trong. Vòm cung lớn được xây dựng với bốn cột chống đỡ nằm 4 góc. Vòm cung dài được chịu lực bởi hai hàng trụ sắt nằm hai bên. Các điểm tiếp nối giữa trụ và kèo sắt được trang trí với nhiều hoa văn trang trọng đẹp mắt.
Bên trong với hai bên tường cao là hai bản đồ lịch sử mang tên: Saigon et ses environs (tạm dịch: Sài Gòn và những vùng phụ cận năm 1892) và Lignes télégraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge (Đường dây điện tín của miền Nam Việt Nam và Cambodia 1936).
Những năm đầu tiên tòa nhà mang màu vàng đất nhạt, với họa tiết trang trí là các đường gờ đan xen cùng các phù điêu màu trắng với ô cửa sổ màu xanh lá. Nhờ màu sắc được kết hợp hài hòa cùng các nét độc đáo riêng biệt nên đã tạo ra một điểm nhấn khó có thể lẫn lộn với bất kì công trình nào khác của thành phố.
Vào ngày 26/01/2015 bưu điện Sài Gòn đã được tu sửa và sơn lại màu. Để phù hợp và đồng đều hơn với văn hóa và hình ảnh bưu cục, bưu điện đã được điều chỉnh và sơn lại nước màu vàng mới. Nhưng vẫn giữ gìn và bảo tồn nhiều nhất những kiến trúc xây dựng lúc bấy giờ.
Ngoài ra, bưu điện Sài Gòn còn được tài trợ đèn chiếu sáng vào ban đêm bởi chính quyền thành phố Lyon (Pháp) và UBND TP Hồ Chí Minh hỗ trợ lắp đặt. Càng làm tôn thêm vẻ đẹp của Bưu điện Thành Phố khi về đêm.
CHIÊM NGƯỠNG NÉT XƯA CỦA BƯU ĐIỆN THÀNH PHỐ THUỞ TA CÒN TRONG NÔI
Nào cùng Đỡ Buồn đi qua và nhìn lại những bức ảnh của Bưu Điện Thành phố từ xưa cho đến nay.
Có thể nói Bưu Điện Sài Gòn là nơi đặt nền móng cho việc trao đổi thông tin thư, từ. Nhờ có bưu điện mà thông tin trong nước được trao đổi ra bạn bè quốc tế, khai thông mở cửa với quốc tế. Ngày nay Bưu Điện Thành Phố không chỉ giữ vững vai trò của mình mà còn là một dấu ấn diễm lệ mang đầy tính biểu tượng đi theo những năm tháng lịch sử hào hùng.