Công viên Tao Đàn hay còn được biết đến với cái tên đầy đủ hơn là Công viên Văn Hóa Tao Đàn, được mệnh danh là “lá phổi xanh” nằm tại trung tâm thành phố với các loại cây cổ thủ có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Nơi đây đã trở thành điểm hò hẹn quen thuộc của rất nhiều thế hệ người dân Sài Gòn. Để tìm hiểu thêm về những điều thú vị khác của công viên Tao Đàn thì bạn hãy cùng Đỡ Buồn điểm qua những thông tin của bài viết dưới đây nhé!
HÀNH TRÌNH TÌM RA TÊN GỌI “CÔNG VIÊN TAO ĐÀN”
Công viên Tao Đàn trước đây là một khu vườn trực thuộc Dinh Độc Lập. Năm 1896, Pháp tiến hành xây dựng con đường mang tên Miss Clavell (bây giờ là đường Huyền Trân Công Chúa) với mục đích tách khu vườn ra khỏi khuôn viên của Dinh và đặt lại tên theo tiếng Pháp là Jardin de la Ville, hay còn được biết đến với cái tên ngắn gọn hơn là Parc Maurice Long.
Người dân Sài Thành thời bấy giờ, hay gọi khu vườn này là “Vườn Ông Thượng” (theo tên của ngài Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt – tổng trấn đất Gia Định). Tuy nhiên, có nhiều thông tin được tương truyền lại do biệt phủ của tả tướng Lê Văn Duyệt nằm trong thành Gia Định mà đất của khu vườn lại nằm cách xa thành.
Từ lúc tả tướng qua đời đến lúc vườn được xây dựng mất khoảng thời gian tương đối dài, nên cái tên “Vườn Ông Thượng” có thể được bắt nguồn từ khi Dinh Norodom (Dinh Độc Lập) được xây dựng và trở thành Dinh Thống Đốc Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19.
Ngoài ra, nơi đây còn được biết đến với cái tên đặc biệt khác là “Vườn Bờ Rô”, cái tên này có nguồn gốc từ việc bên trong trung tâm khu vườn được lót gạch, vì trong tiếng Pháp từ “préau” đọc theo thuần việt là “bờ rô” có nghĩa là sân được lát gạch. Thêm vào đó, nhiều lập luận cho rằng từ này có xuất phát từ chữ jardin des beaux jeaux.
Nhưng sau năm 1954, sau khi hiệp định Genève được ký kết, quân Pháp dần rút khỏi bán đảo Đông Dương. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tiến hành thay đổi hàng loạt tên đường và các công trình. Trong đó, Parc Maurice Long đổi lại thành “Vườn Tao Đàn” mang ý nghĩa gợi nhớ lại tên hội xướng hoạ thi ca “Tao Đàn nhị thập bát tú” do vua Lê Thánh Tông sáng lập vào thế kỷ 15.
Bốn con đường bao xung quanh “Vườn Tao Đàn” cũng lần lượt đổi tên từ tiếng Pháp sang tiếng Việt như Miss Clavell (Huyền Trân Công Chúa), Tarbet (Nguyễn Du), Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai) và cuối cùng là Verdun (Lê Văn Duyệt, nhưng sau giải phóng năm 75 thì thay thành Cách Mạng Tháng 8) thuộc địa phận phường Bến Thành, Quận 1.
Sau năm 1975, vườn xây thêm nhiều khu vui chơi cho trẻ em nên đã một lần nữa đổi tên thành Công viên Văn hóa Tao Đàn, hay còn gọi là Công viên Tao Đàn và được duy trì tên gọi này cho đến tận ngày nay. Địa điểm này, không những có bề dày về giá trị lịch sử mà còn là nơi nổi tiếng với những hàng cây xanh cổ thụ vườn bóng mát với những hoạt động lớn quanh năm mỗi dịp lễ, Tết.
NGÀY ẤY BÊN TRONG “VƯỜN BỜ-RÔ” CÓ GÌ?
Điểm nổi bật của công viên Tao Đàn là phải kể đến con đường nằm cắt ngang và đi xuyên qua công viên tên Trương Định (lúc trước tên là Trương Công Định, tiếng Pháp là Roze) và đường Jardin (nay là Đoàn Thị Điểm) sau năm 75 được xác nhập với đường Trương Công Định thành cung đường một chiều nối dài mang tên Trương Định.
Do sự phát triển và đi lên của đất Sài lúc bấy giờ, mà một số khu đất mặt tiền nằm gần “Vườn Bờ Rô” được xây dựng thành các công trình văn hóa công cộng như Hội Kỵ Mã (hay Nhà thi đấu Nguyễn Du), Viện Dục Nhi (Sở Y Tế, 1926), Hội Hiếu Nhạc (trường Nhạc Viện Quốc Gia, 1896) và cuối cùng là Cung văn hóa Lao Động (1902).
Bên trong công viên Tao Đàn có một quần thể di tích lăng mộ cổ được xây dựng vào năm 1895. Theo dân gian tương truyền thì đây là mộ của ông Lâm Tam Lang và vợ là bà Mai Thị Xã.
Bên trong công viên Tao Đàn từng xuất hiện tượng đài của ngài Léon Gambetta – thủ tướng kiêm nhà ngoại giao trường của nước Pháp. Ban đầu, tượng đài này nằm ở ngã tư Norodom – Pellerin (đường Lê Duẩn và Pasteur ngày nay). Nhưng sau này Chợ Cũ ở đường Nguyễn Huệ được phá bỏ để xây dựng chợ Bến Thành ở vị trí khác, thì tượng Gambetta cũng được dời đi đến vị trí chợ cũ (nay là tòa nhà Bitexco).
Trước năm 1975, trong công viên Tao Đàn có thêm nhiều mảng cây xanh và các công trình vui chơi giải trí cho mọi lứa tuổi. Nơi đây, được xem là chỗ nghỉ ngơi ngoài trời của các thế hệ trẻ em, thanh niên lẫn người già tại đất Sài Gòn.
Bên cạnh đó, công viên Tao Đàn cũng là nơi các tổ chức Hướng đạo Việt Nam, hướng đạo quân đội lựa chọn để sinh hoạt vào các ngày cuối tuần. Sự kiện đáng nhớ nhất tại đây là hội chợ Đồng Tâm để kêu gọi quyên góp xây dựng bệnh viện Thống Nhất.
Với những mảng xanh bao phủ giữa trung tâm thành phố, cùng những hoạt động sôi nổi vào những ngày cuối tuần. Công viên Tao Đàn mỗi ngày tiếp đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan và dạo chơi, đây cũng chính là hình ảnh bình dị, an yên mà hiếm nơi nào trong Q1 có được.
Tuy đã trải qua hàng trăm năm với những lần thay tên, đổi mạo nhưng hình ảnh công viên với nắng và cây cổ thụ to lớn vẫn là niềm tự hào quá đỗi kiêu ngạo của người dân Sài Gòn từ xưa cho đến tận ngày nay.
Công viên Tao Đàn với diện tích 10 ha cùng hàng ngàn cây xanh, tạo nên bóng mát và làm dịu đi cái nắng oi ả của Sài Gòn khi vào hè. Nếu bạn có dịp đến Sài Gòn dạo chơi thì đừng bỏ qua cơ hội khám phá địa điểm đặc biệt này trên đường Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.