Những gánh hàng rong có lẽ đã xuất hiện từ rất lâu trên khắp những con đường từ thành thị cho đến nông thôn và đã trở thành một nếp sống quen thuộc ở bất kì đâu cho đến ngày nay. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc liệu những gánh hàng rong trước năm 1975 có gì thay đổi nhiều so với ngày nay không? Nào cùng Đỡ Buồn tìm hiểu thử nhé!
KÝ ỨC NHỎ BÉ VỀ NHỮNG GÁNH HÀNG RONG TRÊN CON PHỐ SÀI GÒN XƯA
Những tiếng rao vang vọng của những gánh hàng rong ít nhiều cũng đã vơi dần trong lòng thành phố Sài Gòn, nhường lại cho những âm thanh của một thành phố hiện đại hơn. Nhưng hồi ức về những gánh hàng rong Sài Gòn trước năm 1975 vẫn còn mãi sống mãi trong lòng người dân Sài Gòn khi đó.
Thỉnh thoảng chúng ta mới nghe được một câu rao của gánh hàng rong ven đường Sài Gòn giữa biết bao nhiêu là thứ âm thanh hỗn tạp của thành phố. Nhưng chỉ cần một sự tác động tựa như vết chích côn trùng đó thôi, tất cả những hồi ức trong tiềm thức chúng ta như được thoát khỏi ngăn kéo lần nữa và thứ âm thanh hệt như côn trùng ấy cứ văng vẳng bên tai:
“Ai mua xôi ra mua”
“Chai xanh chai đỏ, chai bỏ thuốc sâu, dép nhựa, xương trâu đem ra đổi kẹo. Kẹo này là kẹo đường chính Cuba, ăn vào mát ruột cả nhà khen ngon nào”
“Mài dao kéo đi”
“Ai bánh chưng, bánh giò, bánh rợm nào”
“Ai kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo dồi nào”
Cứ như thế lâu dần và cũng không biết tự khi nào mà những tiếng rao ăn sâu vào ký ức của chúng ta như một bản hòa ca. Nghe có vẻ khó tin nhưng những ai đã ở cùng một con phố Sài Gòn trong nhiều năm sẽ nhận ra các tiếng rao hàng rong khi ấy luôn đến một khoảng thời gian trong ngày và tất cả như được hòa âm cùng với nhau vô tận trên một bản nhạc kéo dài 24 giờ.
Hễ người ta nghe đến câu rao “Ai chè đậu xanh, bột báng nước dừa đường cát hông…” hay “Ai nước đậu hông” là người dân trong vùng biết đã đến gần trưa. Cứ thế các gánh hàng rong tạo nên một bản hòa ca hằng ngày mà không thể lẫn vào đâu được.
Dù thời tiết Sài Gòn vào những ngày mưa tầm tã hay những hôm nắng oi bức tiếng rao cứ thế vang lên đều đặn hằng ngày. Với những người thành phố nơi đây tiếng rao như một phần của nếp sống hằng ngày êm đềm và quen thuộc. Hôm nào cần mua gì ở hàng gánh mà thiếu đi tiếng rao quen thuộc thật dễ khiến người ta buột miệng với nhau “Nay sao không thấy gánh hàng đi qua đây, mọi ngày vẫn thấy nó đi qua đây đều đều tới nay cần thì lại không thấy”.
Thế mới thấy gánh hàng rong thật sự rất gần gũi với nếp sống thành phố Sài Gòn khi đó. Nhất là thời điểm năm 1960, khi mà đất nước và các vùng quê bị chia cắt người dân từ các tỉnh khác đến Sài Gòn mưu sinh trên các gánh hàng tạo nên một nếp sống rất riêng của Sài Gòn khi đó.
HỒI ỨC TUỔI THƠ QUA NHỮNG THƯỚC ẢNH CŨ VỀ GÁNH HÀNG RONG
Dành cho những ai đã sống ở Sài Gòn trước những năm 1975 hoặc là cả sau này. Nào đi cùng Đỡ Buồn ôn lại hồi ức những gánh hàng rong trên đường phố Sài Gòn khi xưa nhé!
Hôm nào cảm giác ăn không được nhiều, món cháo vịt Sài Gòn sẽ là sự lựa chọn phù hợp nhất. Một tô cháo vịt nóng hổi với vị ngọt thanh điểm thêm hành và tiêu sẽ xua tan cái mệt mỏi nhất thời nhưng lại chẳng quá sức với một cái bụng không khỏe.
Dù tất bật với công việc buôn bán nhưng người phụ nữ bán gánh khi đó vẫn giữ được nét hiền hòa trên khuôn mặt, trang phục tươm tất gọn gàng – một vẻ đẹp đặc biệt của người Sài Gòn xưa.
Cái món ăn khoái khẩu của người dân Sài Gòn khi đó không gì khác ngoài mía ghim. Mía ghim hay còn có tên là mía lạnh, từng đoạn mía được bỏ trong tủ kính ướp lạnh. Vào những hôm trời nóng ở Sài Gòn lấy ra cắn một miếng, vị ngọt từ khúc mía lạnh lan tỏa trong miệng như một thức uống giải khát tuyệt vời.
Món ăn vặt dân dã mà cô, cậu bé nào ở Sài Gòn cũng yêu thích lúc bấy giờ. Từng đoạn kẹo mạch nha được kéo ra từ trong hũ thiếc quấn lấy phết lên những miếng bánh tráng giòn rụm là thứ quà quê mà cô cậu nào cũng phải mê mẩn.
Món ăn vặt này không chỉ con nít thích mà còn là món khoái khẩu của nhiều người lớn. Cái mùi mực khi nướng lên thơm cả góc đường khi đó ai nghe tới thôi cũng mong muốn được thưởng thức. Mực được nướng chín đều vừa tới được đưa nhanh qua máy cán đôi ba lần cứ thế mà được xé đều tay chấm với tương ớt hay tương me đều tuyệt.
Khác với những xe nước mía ngày nay, những chiếc xe nước mía khi xưa được vận hành chủ yếu bởi sức người. Để được từng ly nước mía ngọt thơm khi đó là mỗi lần dùng cả 2 tay và 1 chân mới có thể xoay ép hết một vòng của máy ép mía.
Những xe hủ tíu gõ với nước dùng được người Hoa chế biến theo bí quyết đặc biệt sẽ chẳng có gì lạ khi nó lại chiếm được nhiều cảm tình của người Sài Gòn lúc bấy giờ với hương vị đặc biệt thơm ngon và đầy độc đáo.
Trải qua nhiều thập kỷ, những gánh hàng rong khi đó đã dần được thay thế bằng những cửa hàng, hàng quán rộng lớn tại các con đường ở Sài Gòn. Nhưng đọng lại đâu đó giữa lòng thành phố vẫn còn rất nhiều hàng quán mang ký ức Sài Gòn năm đó tồn tại cho đến ngày nay.