Chắc hẳn những người dân xa xứ hay người miền ngược hoặc xuôi khi mới bước chân đến Sài Gòn nhộn nhịp thường bị choáng ngợp với nhịp sống xô bồ rộn ràng ở đây. Không những vậy người ta chắc hẳn cũng sẽ bất ngờ với những con người gốc ở chốn thành phố xô bồ này. Cùng Đỡ Buồn điểm qua những câu chuyện xưa về những “người con” gốc Sài Gòn xưa cùng lối sống hằng ngày bình dị qua cách sống gần gũi của họ xưa nhé!
TÍNH CÁCH NGƯỜI SÀI GÒN XƯA NHƯ THẾ NÀO?
Rất nhiều những trang hay bài báo, bài viết kể về những câu chuyện ở Sài Gòn trước sau giải phóng và cũng đa số là về những địa danh nổi tiếng ở Sài Gòn xưa, nhưng mà những câu chuyện về những con người Sài Gòn xưa là ít được chú ý tới và cũng không được kể đến mấy.
Nhưng khi kể lại một số người lại cảm thấy thích thú bởi vì con người Sài Gòn xưa dễ thương vô cùng. Điều dễ thấy nhất là lối sinh hoạt thường ngày của họ, người Sài Gòn xưa vừa hào sảng lại còn thoải mái. Có một vài người bạn khác miền, xa xứ đi vào miền Nam chơi sẽ thấy rằng, những ông bạn Sài Gòn không hề quá “ki bo, kẹo xị” mà lại vô cùng phóng khoáng.
Chỉ cần đi vào Sài Gòn thăm người bạn già, đi ăn hủ tiếu lề đường hay trà đá vỉa hè với ông bạn, khi đứng dậy kêu chủ quán tính tiền thì chủ quán sẽ nói rằng: “ Người bạn của ông trả tiền rồi!”. Chỉ là những người bạn lâu không gặp, đến gặp thì cũng là để hỏi han chuyện làm ăn, nhưng ở đây người ta lại hào phóng trả tiền cho bữa sáng như thế!
Người Sài Gòn xưa, thật thà chất phác, họ cũng sống giản dị khiêm nhường và có tính cách vô cùng là dễ chịu. Đi đâu không biết đường mà hỏi vài chú xe ôm đang ngồi đợi khách, hay những cô chú bán tạp hóa, nước giải khát ven đường hỏi chuyện, người ta cũng sẽ chỉ nhiệt tình nếu họ biết, còn không thì dĩ nhiên là nói “không” rồi. Họ thật thà dễ mến lại rất tin người, dễ mủi lòng giúp đỡ những người xa lạ mà có cảnh đời cơ cực gian nan.
Sài Gòn từ những năm 1975 có thể được coi là “hòn ngọc” quý báu mà người dân tứ phương di cư tới với khát vọng lập nghiệp, họ bỏ đi xa xứ để lập nên công trạng thành danh trong sự nghiệp. Cũng nhờ vậy mà chốn thành thị này được hội tụ những người tài tứ hướng đến và mang lại nhiều nét riêng độc đáo từ vùng đất của họ. Người Sài Gòn xưa đủ kiểu tính cách, nhưng chung quy họ vẫn sống thoải mái, làm đủ ăn, không quá tiết kiệm hay coi trọng lễ nghi phức tạp như các vùng khác.
SỰ HÀO SẢNG “DỄ THƯƠNG” CỦA NGƯỜI SÀI GÒN XƯA
Người Sài Gòn xưa vốn là những con người “dễ yêu” ngay từ cái gặp gỡ đầu tiên, bởi có vài người đi ăn sáng hay gọi một tách cà phê ven đường, nhỡ may quên mang tiền thì họ cũng sẽ cho “thiếu”. Ông chủ quán dễ tính không biết đã cho bao nhiêu người ăn thiếu, bởi có một số người ăn một lần cũng không biết bao giờ quanh lại ăn lần nữa, nhưng vẫn thoải mái cho người ta ăn thiếu: “Bữa sau trả cũng được”, nói thế thôi nhưng không biết bữa sau là bữa sau nào.
Ở cái đất “Xì Gòn” xưa này, không biết tại sao người ta có thể dễ dàng tin tưởng và thoải mái đến thế! Thật lòng mà nói thì cũng chẳng biết động lực nào làm những điều đó và có ý nghĩa gì với họ nhưng nếu cảm nhận sâu sắc qua một góc nhìn nhân đạo thì họ vốn dĩ sống có cái tình người ở đó. Đơn giản là sự tin tưởng giữa người với người, dù không biết đối phương có thật sự tốt hay xấu nhưng người Sài Gòn xưa dù đi đâu hay giúp đỡ ai vẫn có sự tin tưởng và có tình nghĩa trong đó.
Sài Gòn của những năm trước giải phóng nổi bật trên đường phố là những chiếc xe Vespa cổ điển của Ý hay những con xe G67, cúp mini đặc trưng. Lúc bấy giờ, xe thì nhiều nhưng trạm xăng thì ít, nhớ những dạo đang đi trên đường mà xăng hết, bà con xung quanh hay bất kỳ ai trên đường thấy dắt bộ xe cũng sẽ có người dừng lại hỏi “Xe hết xăng hả? Để tui kè đến cây xăng hen?”.
Đâu chỉ thế, có người còn nhiệt tình lấy bình rút xăng từ xe của mình để cho chiếc xe hết xăng kia đổ vô “Nhiêu đây đủ chạy tới cây xăng dư sức luôn hen”. Sài Gòn có mấy điều đơn giản thế thôi nhưng cũng đủ để lại một ấn tượng sâu sắc cho biết bao nhiêu người khách cũng như người con nơi đây nhớ mãi không quên.
Người dân xưa nay vẫn còn một số người vẫn dễ thương và hào sảng, dù đi đâu trên đường phố ở Sài Gòn vẫn có thể thấy những hình ảnh người Sài Gòn hào hiệp giúp đỡ người khác. Họ vẫn luôn mang lại những giá trị nhân văn và tạo nên một sức hút vô hình cho vùng “Hòn Ngọc Viễn Đông”, khiến người người trên mọi miền đất nước vừa đến đã yêu Sài Gòn lẫn con người nơi đây.