Hồ Con Rùa hay còn được biết đến với cái tên khác là Công trường Quốc Tế, đây là một trong những địa điểm vui chơi gắn liền với ký ức của mọi tầng lớp thế hệ người dân Sài Thành. Nơi đây mang trong mình những nét đẹp cổ kính và hiện đại đan xen vào nhau tạo nên những dấu ấn và giá trị riêng biệt nằm giữa ngay trung tâm thành phố. Để biết thêm nhiều thông tin về địa điểm lịch sử này thì hãy cùng Đỡ Buồn tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
HỒ CON RÙA VÀ GIAI THOẠI TRẤN YỂM LONG MẠCH
Hồ Con Rùa nằm ngay trung tâm Sài Gòn với cái tên chính thức là Công Trường Quốc Tế, tuy nhiên người dân Sài Thành hay người dân ở nhiều tỉnh thành khác lại thường gọi nơi này với cái tên thân thuộc là Hồ Con Rùa. Nơi đây nằm ngay nút giao thông liên quận với các tuyến đường lớn như Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần và Trần Cao Vân. Bên cạnh đó, xung quanh Hồ còn tập trung nhiều nhà hàng, quán cafe lớn nhỏ nhộn nhịp từ sáng sớm cho đến khuya muộn.
Vị trí xây dựng Hồ Con Rùa trước đây là cổng thành Khảm Khuyết thuộc địa phận thành Bát Quái (hay còn được gọi với cái tên khác là thành Quy) được xây dựng theo chiếu thượng của vua Gia Long. Nhưng sau khi cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi vào khoảng năm 1833 – 1835, vua Minh Mạng đã cho binh lính phá thành Bát Quái và thay vào đó là một ngôi thành nhỏ mang tên Gia Định.
Đến khoảng những năm 1859, sau khi thực dân Pháp xâm chiếm Sài Gòn đã cho phá huỷ hoàn toàn thành Gia Định để xây dựng nên một tháp nước ngay vị trí Hồ Con Rùa ngày nay để cung cấp nguồn nước uống và sinh hoạt cho người dân trong vùng. Nhưng cho đến năm 1921, tháp nước này cũng bị phá bỏ để mở rộng các các tuyến đường nối dài đến con đường Võ Thị Sáu, do đó mà nơi đây được chia thành nhiều nhánh đường lớn nhỏ khác nhau. Sau này, chính quyền Pháp dựng nên một bức tượng đài có hình ba binh sĩ bằng đồng cùng hồ nước nhỏ để đánh dấu cuộc xâm chiếm và làm chủ Đông Dương của mình. Do đó, mà người dân thời bấy giờ gọi nơi này là Công trường Ba hình. Bức tượng đài này chỉ tồn tại đến năm 1956 thì bị phá bỏ bởi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và giao lộ cũng đổi tên thành Công trường Chiến sĩ.
Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Sài Gòn thì Công trường Chiến sĩ lại trở thành vòng xoay giao thông giao nhiều tuyến đường. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại thì Hồ Con Rùa được tiến hành xây dựng vào khoảng năm từ 1965 – 1967 (đây là thông tin chưa được xác thực) bởi kiến trúc sư tài hoa Nguyễn Kỳ. Hồ Con Rùa được chính quyền Việt Nam Cộng hoà sửa chữa và chỉnh trang nhiều lần vào những năm từ 1970 đến 1974. Trong đó, cho xây dựng thêm 5 cột bê tông đứng chụm vào nhau tựa như các cánh hoa đang bung nở giữa lòng Sài Gòn.
Do sở hữu kiến trúc khác biệt nên Hồ Con Rùa được gắn liền với giai thoại “trấn yểm long mạch” của tổng thống nước Việt Nam Cộng Hoà lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Thiệu. Theo tác giả Huỳnh Bá Thành của bộ sách “Vụ án Hồ Con Rùa” được xuất bản vào năm 1982 thì có xuất hiện một sự kiện truyền miệng khi ông Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống đã cho mời một bậc thầy phong thuỷ người Hoa đến coi tại Dinh Độc Lập. Người thầy phong thuỷ này nói rằng dinh được xây dựng trên long mạch. Phần long mạch này có phần đầu nằm ở Dinh Độc Lập còn phần đuôi rồng nằm tại vị trí Công trường Chiến sĩ (nay là Hồ Con Rùa). Tuy hưng vượng nhưng do phần đuôi rồng hay vùng vẫy nên sẽ ảnh hưởng đến tiền đồ phát triển của ông Nguyễn Văn Thiệu, nên chính vì thế mà cần phải yểm bùa nơi đây bằng cách đúc tượng một con rùa lớn để trấn giữ đuôi rồng.
Bức tượng con rùa bằng đồng lớn cùng bảng tên lớn phía trên lưng chính là điểm bắt nguồn cho cái tên “Hồ Con Rùa” và cũng là biểu tượng phong thuỷ gắn liền với giai thoại “trấn yểm long mạch”.
Với tín ngưỡng vào phong thuỷ nên ông Nguyễn Văn Thiệu đã cho xây dựng một hồ có hình bát giác lớn dựa theo mô phỏng của bát quái trận, đây là một trong những biểu tượng phong thuỷ thường thấy trong việc trấn yểm của cha ông ta ngày xưa và phần tượng rùa được đúc bằng đồng nằm ngay chính giữa hồ. Nhiều người dân cho rằng phần tháp cao phía trên tựa trưng cho thanh gươm lớn chấn giữ đuôi rồng tạo nên sự uy nghi và hào hùng cho Hồ Con Rùa. Cho đến ngày nay thì Hồ Con Rùa có nhiều sự thay đổi về mặt kiến trúc do nhiều lần sửa chữa.
NHỮNG HÌNH ẢNH CỦA HỒ CON RÙA Ở GIỮA LÒNG SÀI GÒN XƯA
Địa điểm lịch sử này được bao quanh bởi một vòng xoay giao thông với nhiều cụm đường liên quận. Bên trong khuôn viên Hồ được phủ xanh bằng nhiều loại cây xanh ở giữa là một hồ nước lớn với hình bát giác mang tín ngưỡng phong thuỷ cùng 4 cung đường đi bộ xoắn ốc hướng đến tượng rùa bằng đồng với bia đá khắc chữ lớn phía trên lưng. Cái tên Hồ Con Rùa cũng từ đó mà hình thành và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay.
Điểm đặc biệt của Hồ Con Rùa so với nhiều địa danh lịch sử khác là sự thoải mái và tự do vì có cây cối cũng như hệ thống hồ nước thoáng đãng. Nơi đây không những có kiến trúc khác biệt mà còn sở hữu những giá trị tinh thần và niềm tự hào của người dân Sài Gòn.
Với những ưu điểm về mặt giao thông cũng như nhiều yếu tố thuận lợi khác mà Hồ Con Rùa nhanh chóng trở thành địa điểm du lịch được yêu thích nhất của du khách trong và ngoài nước khi họ đặt chân đến mảnh đất mang tên Bác. Không chỉ sở hữu không gian mở mà nơi đây còn là nơi tụ họp những quán ăn và quán cafe có lịch sử hình thành lên đến vài thập kỷ.
Cho đến ngày nay, Hồ Con Rùa vẫn là điểm hẹn quen thuộc của mọi người dân Sài Thành với những giá trị văn hoá lịch sử văn hoá vẫn còn được gìn giữ là lưu truyền từ nhiều đời thế hệ người dân Sài Gòn. Nơi đây không hề bị lãng quên hay bị mai một bởi thời gian vì những dấu ấn mà Hồ Con Rùa để lại đã trở thành bức tường hoài niệm và đầy tự hào mà khó có nơi nào có thể thay thế được.
Nếu có dịp ghé thăm mảnh đất Sài Gòn hoa lệ này, thì đừng bỏ qua việc ngồi nhâm nhi ly trà tắc hay bịch bánh tráng trộn tại Hồ Con Rùa rồi cùng ngắm nhìn toàn cảnh thành phố khi buông đèn và lưu giữ những mảnh ký ức đầy hoài niệm cùng những người thân yêu nhé.