Chợ Tân Định một trong những ngôi chợ lâu đời nhất Sài Gòn, không chỉ là điểm đến mua sắm nổi bật mà còn là biểu tượng văn hóa và lịch sử của thành phố. Được xây dựng từ năm 1926 và giữ nguyên nét kiến trúc cổ kính qua gần 100 năm, với đa dạng hàng hóa từ vải vóc, thực phẩm tươi sống đến những món hàng bình dân, đây là nơi phản ánh rõ nét cuộc sống và phong cách của người Sài Gòn xưa và nay.
CHỢ TÂN ĐỊNH THUỞ SƠ KHAI
Tọa lạc ngay trung tâm thành phố, chợ Tân Định được xây dựng vào năm 1926 và chính thức đi vào hoạt động năm 1927. Đây là một trong những ngôi chợ lâu đời nhất Sài Gòn, với kiến trúc vẫn giữ nguyên vẹn qua gần một thế kỷ. Theo các ghi chép từ những năm 1870-1880, chợ Phú Hòa là một trong những chợ quan trọng nhất ở phía Bắc Sài Gòn. Tuy nhiên, không có hình ảnh nào của chợ Phú Hòa được lưu giữ.
Vào đầu năm 1926, chính quyền thuộc địa đã chi 110.000 đồng Đông Dương để xây dựng lại chợ, nhằm nâng cao tiêu chuẩn và tăng nguồn thu ngân sách từ việc bán quyền sử dụng mặt bằng cho các tiểu thương. Từ thời điểm này, chợ được đổi tên thành chợ Tân Định và duy trì đến ngày nay.
Xem thêm: Chợ Bến Thành – Ngôi Chợ Trung Tâm Của Sài Gòn
Ngày 26/7/1927, chợ Tân Định được khánh thành trong một buổi lễ vô cùng tưng bừng và long trọng, không thua kém sự kiện khai trương chợ Bến Thành 13 năm trước. Buổi lễ có sự tham dự của nhiều quan chức cao cấp của chính quyền thuộc địa, bao gồm Thống đốc Nam Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản hạt, và Thị trưởng Sài Gòn. Dưới đây là một bản tin miêu tả chi tiết về ngày khai thị chợ Tân Định vào ngày hôm đó.
“Sớm mai [tức sáng sớm] ngày 26 Juillet vừa rồi lối 9 giờ, sở đốc lý thành phố Saigon có bày cuộc lễ khai thị [khánh thành chợ] ở Tân-Định. Thiên hạ đến coi đông như kiến, lính tráng khó bề dẹp được.
Giữa chợ treo cờ xí đủ màu coi đẹp lắm.
Các quan và sở đốc lý phái đến bày cuộc lễ này, đứng nơi trong đợi quan nguyên soái Nam kỳ [tức Thống đốc Nam kỳ de la Brosse], chính giữa để một cái bàn có để rượu sâm-banh, mấy người nấy ăn đứng xanh quanh coi ngộ lắm. Bước vô bên tay mặt một tấm vải giăng ra và một dàn máy chớp bóng.
Tám giờ đúng, một cái xe hơi đưa quan Nguyên soái Nam kỳ đến đậu trước chợ, gần hàng rào.
Quan Nguyên soái Nam kỳ bước xuống bắt tay quan Đốc lý thành phố Sài Gòn Lefebvre và ông Héraud – hội trưởng hội đồng quản hạt, rồi bước thẳng vô chợ.
Kế quan đốc lý đọc một bài diễn văn tỏ ý cho trước là quan nguyên soái Nam kỳ, sau các chức việc biết rằng cái chợ rầy mà cất thành đây là nhờ sở đốc lý ham muốn mở mang hầu cho thành phố Saigon nầy có nhiều nơi tốt đẹp.
Bởi vậy sở đốc lý không dụ dự chút nào mà xuất tiền cất chợ và cũng là nhờ quan nguyên soái Nam kỳ dự vào nữa. Ông hội trưởng hội đồng quản hạt đã ở Saigon lâu rồi có thể biết những điều cần ích, nên muốn Saigon nầy đứng hàng ngũ cho xứng đáng ở cõi viễn đông này vậy.
Rốt hết quan đốc lý mời quan nguyên soái Nam kỳ dùng rượu và chúc cho thành Saigon nầy sung thạnh.
Kế quan nguyên soái Nam kỳ trả lời lại rất đại khái.”
(Nguồn: Báo Công Luận số 683 ra ngày 28/7/1927)
>>> Chợ Bình Tây – Khu Chợ Của Người Hoa Với Tuổi Đời Gần 100 Năm
CHỢ TÂN ĐỊNH KHÁC BIỆT GIỮA LÒNG SÀI GÒN
Công ty xây dựng của Pháp, Société Indochinoise d’Études et de Constructions (SIDEC), đã giành được hợp đồng thiết kế và thi công chợ Tân Định, cùng với Bệnh viện Saint Paul (nay là Bệnh viện Mắt). Mặt tiền chợ được thiết kế độc đáo với ba tháp chuông, gồm một tháp lớn ở giữa và hai tháp nhỏ hai bên. Tháp chuông trung tâm vẫn giữ nguyên quả chuông cổ và đồng hồ xưa trên cổng chợ.
Ngày nay, chợ Tân Định nổi tiếng với các mặt hàng như vải vóc, thực phẩm tươi sống, ăn uống, quần áo, thực phẩm khô, giày dép, và trái cây. Chợ từ lâu đã được xem là nơi tập trung nhiều hàng hóa cao cấp, giá cả nhỉnh hơn so với các chợ khác. Tuy nhiên, chất lượng và độ tươi ngon của hàng hóa tại đây luôn được đánh giá cao.
Phía sau chợ, có một khu vực bình dân hơn, cung cấp nhiều loại hàng hóa với giá cả hợp lý nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của cư dân Tân Định. Những gian hàng này nổi tiếng với các loại thực phẩm đặc sản từ đồng quê, các loại rau sạch, và những món ăn đặc trưng miền Bắc như bánh đúc, bánh rán.
Dọc hai con đường Nguyễn Hữu Cầu và Hai Bà Trưng, bên hông nhà thờ Tân Định, vẫn tồn tại những cửa hàng áo dài nổi tiếng, nơi mà bao nữ tú Sài Gòn tìm đến để may những tà áo dài đẹp và cách điệu nhất.
Xem thêm: Chợ Bà Chiểu – Khu Chợ Sầm Uất Của Gia Định Xưa
Mặc dù các mặt hàng tại chợ Tân Định thường có giá cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng có một loại sản phẩm đặc biệt lại được bán với giá rẻ nhất Sài Gòn, đó chính là vải vụn. Loại vải này được bày bán rất nhiều tại chợ, thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách khi đến đây.
Trên đường Nguyễn Hữu Cầu, vẫn còn tồn tại nhiều tiệm tạp hóa truyền thống đã qua nhiều thế hệ, nơi những người chủ giữ nguyên nét bán hàng đậm chất Sài Gòn: chân thật và uy tín, dù chỉ là bán một cái cúc áo hay một ống kim chỉ. Chẳng hạn, cửa hàng mỹ phẩm của hai chị em đối diện cổng chợ Tân Định, với triết lý kinh doanh: “Bán để người ta nhớ, không phải để người ta phàn nàn.” Dù cửa hàng nhỏ nhưng vẫn có lượng khách trung thành suốt hàng chục năm.
Khu vực Tân Định còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ, nơi chủ nhân vẫn gìn giữ vẻ đẹp kiến trúc Sài Gòn thập niên 60, như những biệt thự với nền gạch cũ, ô cửa xưa, cổng sắt và hàng rào thép gai. Những căn nhà này dường như không để tâm đến những thay đổi bên ngoài, vẫn âm thầm bảo tồn di sản của riêng mình, lặng lẽ cùng thời gian trôi qua.
Phía sau chợ Tân Định, hiện vẫn tồn tại con đường Mã Lộ – con đường dành cho ngựa, và cũng là một trong những con đường ngắn nhất ở Sài Gòn. Khoảng 50-60 năm trước, đường Mã Lộ từng là bến xe ngựa, nơi các xe ngựa chờ đón khách đi chợ Tân Định hoặc vận chuyển hoa Tết từ Gò Vấp lên bán. Khi ấy, hàng chục chiếc xe ngựa nối đuôi nhau đỗ dọc đường, mỗi chiếc xe có thể chở tối đa 6 người, ngồi co chân đối diện nhau.
Cách đường Mã Lộ khoảng 500m, khu vực ven kênh Nhiêu Lộc, ngay trước đình Xuân Hòa xưa từng có một bến gọi là Bến Tắm Ngựa. Vào buổi trưa, khi ít khách, các chủ xe ngựa thường dắt xe từ đường Mã Lộ đến đây, dẫn ngựa xuống bến để tắm mát…
Cảm ơn tác giả vì bài viết này! ❤️