TẾT TRUNG THU THỜI “ÔNG BÀ ANH”

Tết Trung Thu.

Vào những ngày tháng 8 âm lịch, dù nơi cuộc sống thành thị hay nông thôn ai ai cũng đều có thể cảm nhận một bầu không khí khác thường đang có sự chuyển mình. Những tiếng chiêng, trống rồi cả những sắc màu đỏ tươi đang dần xuất hiện trên những con phố và có lẽ cũng cả trong lòng những người lớn và trẻ con. Một mùa Tết Trung Thu lại tới gần mang theo hơi thở của những niềm hân hoan khó có thể diễn tả thành lời. Nào cùng Đỡ Buồn hòa mình vào không khí Tết Trung Thu thời “Ông Bà anh” khi đó nhé!

HỒI ỨC ĐẸP ĐẼ VỀ MỘT CÁI TẾT TRUNG THU KHI XƯA

Không ai biết về nguồn gốc Tết Trung Thu ở nước ta có từ bao giờ, chỉ biết cứ đến ngày rằm tháng 8 hằng năm là tới Tết Trung Thu. Cứ thế nó đã trải qua vô vàn thăng trầm của thời gian và của cả thời đại. Và cứ mỗi khi gần đến Tết Trung Thu người ta lại nghe văng vẳng âm thanh quen thuộc:

“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường”

Câu hát đã quá đỗi quen thuộc khi mà bất kì cô, cậu nhóc nào cũng ngân nga khi cái Tết Trung Thu đến gần. Trong cái điệu nhạc sôi nổi với đôi chân sáo đang nhảy lò cò đó thật khiến cả những người lớn cũng phải vui lây. Cứ thế được đà cô, cậu nhóc lại hỏi bố mẹ về những chiếc đèn sặc sỡ ngoài phố được bày bán dạo gần đây.

Cửa hàng rực rỡ sắc màu lồng đèn trung thu khi xưa.
Cửa hàng rực rỡ sắc màu lồng đèn trung thu khi xưa.

Cứ vậy cô, cậu nhóc khi đó được dẫn đi xem những chiếc lồng đèn được treo trên phố nào là lồng đèn ông sao, quả bưởi, lồng đèn xếp gấp hay cả những chiếc lồng đèn kéo quân được làm từ những nan tre. Với đủ kiểu hình khác nhau đan xen với những sắc màu sặc sỡ phát ra từ những tấm giấy kính màu.

Chỉ bấy nhiêu thôi mà đám cô, cậu khi đó cứ nằng nặc đòi chạm vào chúng không thôi. Và kiểu gì thì cô cậu cũng sẽ rời cửa hàng với một chiếc lồng đèn cầm trên tay với đôi ba cây nến để thắp khi đến trung thu. Đám trẻ chúng tôi luôn có một sự háo hức đặc biệt với Tết Trung Thu, dường như bị cuốn hút bởi các thú vui truyền thống, mộc mạc nhưng tinh tế của dịp lễ cổ truyền này.

Gợi ý dành cho bạn: 30+ Món Quà Tặng Trung Thu Ý Nghĩa Dành Tặng Người Thân 2024

Đôi mắt mong ngóng những chiếc lồng đèn của đám trẻ khi xưa.
Đôi mắt mong ngóng những chiếc lồng đèn của đám trẻ khi xưa.

“Tùng dinh dinh cắc tùng tùng dinh dinh
Tùng dinh dinh cắc tùng tùng dinh dinh…”

Cái tiếng trống quen thuộc vang lên cũng là lúc những đoàn lân nối đuôi nhau trên những con đường Sài Gòn khi đó. Những cô, cậu khi đó trong niềm hân hoan, trên tay cầm những chiếc lồng đèn đủ màu hòa mình đi sau những chú lân tạo nên một khung cảnh đặc biệt chỉ có trong ngày Tết Trung Thu.

Múa lân vào Tết Trung Thu khi xưa.
Múa lân vào Tết Trung Thu khi xưa.

Hình ảnh những chú lân tinh nghịch trong ngày Tết Trung Thu gần như đã là một phần không thể thiếu. Những cái đầu lân được dựng bằng khung tre nứa với lớp ngoài được bồi giấy với một cái đuôi vải ngắn đủ màu sẽ mãi là hình ảnh sẽ không bao giờ quên trong tâm trí của những cô, cậu bé khi đó.

Đã có lân thì cũng không thể thiếu được ông địa, ngộ không như vậy mới gọi là đủ được một đội. Ngày đó múa cùng lân là một ông địa với một chiếc bụng rõ to phe phẩy chiếc quạt với một chú ngộ không hay đi chọc ghẹo. Cứ vậy đám trẻ thay nhau xúm vào đi cùng với tiếng hò reo và tiếng trống rền vang đi khắp các nhà ở ngõ tới mãi tận tối. Trong lòng ngỡ rằng đêm như dài hơn cùng với niềm vui vô tận khó mà quên được.

Đoàn lân mộc mạc, đơn giản nhưng mang cho mình một niềm vui to lớn.
Đoàn lân mộc mạc, đơn giản nhưng mang cho mình một niềm vui to lớn.
Đoàn lân nho nhỏ của những cô, cậu bé khi xưa.
Đoàn lân nho nhỏ của những cô, cậu bé khi xưa.

Tết Trung Thu là ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm cũng chính vì vậy mà việc ngồi dưới trăng và thưởng thức một chiếc bánh trung thu là một việc không thể thiếu. Những chiếc bánh trung thu đầu tiên chỉ đơn thuần với phần nhân thập cẩm hoặc nhân hạt sen đi kèm một quả trứng muối. Có hơn thì người ta cũng thêm đôi vài ba vị cho đa dạng mà thôi.

Thời đó chỉ có những hãng bánh trung thu nổi tiếng như: Tân Tân, Đông Hưng Viên, Long Xương, Đồng Khánh… Hồi đó bánh trung thu như một kho báu dưới con mắt của tụi nhỏ chúng tôi, chỉ có thể tìm được vào những ngày Tết Trung Thu. Những lúc cắt bánh chia phần chúng tôi chầm chậm cẩn thận thưởng thức nó, cái hương vị mang đến thật đặc biệt với phần nhân và trứng muối được làm thật tuyệt hảo. Mãi đến sau này cũng thật khó mà tìm lại.

Tiệm bánh trung thu Đồng Khánh khi xưa.
Tiệm bánh trung thu Đồng Khánh khi xưa.

Người ta vẫn thường hay nói “Trung thu là tết đoàn viên” có lẽ cũng chẳng sai. Chẳng gì mong chờ hơn vào một đêm trăng thanh gió mát của những ngày rằm tháng 8 gia đình quây quần quanh nhau chuẩn bị phá cỗ trăng rằm.

Những món đồ ăn và đồ chơi được bày biện trong nhà hay ngoài trời để mong được những ước nguyện may mắn và cũng là để những cô, cậu nhóc khi đó có thêm niềm vui vào ngày Tết thiếu nhi. Trong không khí đầm ấm đó những cô cậu được bố mẹ kể về những sự tích dân gian khi xưa, đàn hát và thưởng nguyệt cùng bánh trung thu và trà.

“Trung thu là tết đoàn viên” dưới trăng lúc xưa.
“Trung thu là tết đoàn viên” dưới trăng lúc xưa.
Sinh hoạt trung thu khi xưa.
Sinh hoạt trung thu khi xưa.

NIỀM VUI TO LỚN CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ SÀI GÒN VÀO NHỮNG NĂM CỦA THẾ KỈ TRƯỚC

Trong cái Tết Trung Thu tràn ngập sự háo hức và niềm vui đó mỗi đứa trẻ lại có một cách rất riêng để có đón cái Tết trung thu cho riêng mình. Trên những hàng phố tràn ngập sắc đỏ khi đó không thiếu những đứa trẻ trên tay với những đèn xếp nhiều màu.

Nhưng đâu đó cũng có những đứa trẻ lựa chọn cho mình một màu trắng bạc vốn có vẻ không sặc sỡ lắm so với những chiếc lồng đèn nhiều màu khác. Đó là những đứa trẻ trên tay với những chiếc lồng đèn được làm bằng lon sữa bò đục lỗ với một cây đũa tre ăn phía trên. Ánh sáng từ những lon sữa bò phát ra xuyên qua những ô đã được đục lỗ trước đó thật sự độc đáo và ấn tượng gần như khác hẳn với những chiếc đèn xung quanh.

Nhưng tựu chung lại dù mang cho mình chiếc lồng đèn nào tụi nhỏ chúng tôi cũng đều thấy sung sướng khi ánh đèn cầy trong đó được thắp lên. Nó như thắp lên ngọn lửa ấm áp, hân hoan hấp dẫn tất cả chúng tôi làm một. Dù có là ai đi chăng nữa trong thứ ánh sáng đó chúng tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp, đoàn viên và cảm xúc đong đầy. Dẫn dắt theo những âm thanh của đoàn lân cho đến khi màn đêm của Tết Trung Thu đi qua chúng tôi một lần nữa.

Rước đèn dưới trăng của những cô, cậu bé khi xưa.
Rước đèn dưới trăng của những cô, cậu bé khi xưa.

Ngoài những lần rước đèn dưới trăng, những cô cậu bé khi xưa cũng đã quen với việc sẽ được tham gia những hoạt động đón Tết Trung Thu khi rằm tháng 8 sắp đến. Tết Trung Thu đôi khi vẫn được gọi dưới cái tên Tết thiếu nhi. Và như những đứa trẻ của những thập niên trước cũng không nằm ngoài dòng chảy của thời gian. Tết Trung Thu ngày nay vẫn làm chúng ta hoài niệm như những gì mà cô cậu ngày đó nghĩ về…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo
Hotline
Zalo Zalo
Hotline Hotline