Từ trước đến nay người miền xuôi hay miền ngược vẫn thường nói người miền Nam nổi tiếng là phóng khoáng, dễ chịu. Có thể nói giai đoạn đất nước trước 1975 hay sau 1975 thì miền Nam cũng thuộc trong những vùng đi đầu về nền kinh tế đang phát triển, trong đó “Hòn Ngọc Viễn Đông” là cái tên người ta vẫn hay nghe về kinh tế thời bình. Những con dân ở Sài Gòn lúc đó cũng sinh ra nhiều người giàu có trong vùng. Vậy tại sao lại nói người Sài Gòn giản dị trong sự giàu có, hãy cùng Đỡ Buồn tìm hiểu xem nhé!
TẠI SAO LẠI NÓI NGƯỜI SÀI GÒN XƯA “GIẢN DỊ TRONG GIÀU CÓ”?
Sài Gòn từ xưa đến nay vẫn được xem là vùng đất “màu mỡ” của những người dân biệt xứ, cũng là nơi mà nhiều người từ những vùng miền khác di trú với khát vọng “an cư lập nghiệp”. Có vô số người giàu có ở Sài Gòn lúc bấy giờ, nhưng lối sống của người giàu ở thời Sài Gòn xưa luôn là những câu chuyện ý nghĩa về phong cách sống cần được nhắc đến.
Để nói về những hoài niệm cũ ở Sài Gòn xưa trên các mặt báo, trên các trang cũ rất nhiều, nhưng đa số chỉ toàn là những hình ảnh và địa danh của Sài Gòn xưa, chứ ít một ai nhắc đến lối sống của người dân “Hòn ngọc Viễn Đông” trên các bài viết. Bởi lối sống thường ngày của người xưa khó có thể diễn đạt qua hình ảnh mà chỉ có thể phản ánh qua những thước phim hay được tường thuật qua những bài phỏng vấn cũ của những người từng ở Sài Gòn.
Có một nhà văn người Sài Gòn tên Nguyễn Ngu Í đã phỏng vấn một nhà giáo là cụ Á Nam Trần Tuấn Khải đi vào miền Nam sinh sống và kể lại những thói quen đời sống bình dị của người dân nơi đây. Tuy chỉ là những điều đơn giản trong cuộc sống hằng ngày mà cũng khiến ông ấn tượng khó phai lúc ông vào Sài Gòn – Chợ Lớn lúc thiếu thời.
Cụ Á Nam đã kể rằng, ông từng gặp một người đàn ông gốc Sài Gòn mặc chiếc áo bà ba trắng giản dị với đôi guốc vông trông rất bình thường dân dã. Ông ta đã ghé mua một món đồ tại nhà một người bạn đồng hương chuyên bán đồ cẩm xà cừ của cụ Á Nam. Cụ còn nghĩ ông ta chỉ tiện mắt hỏi giá chơi chơi chứ bộ dạng của ông ta cũng chưa chắc có tiền mua món đồ ấy.
Lúc ấy, điều mà cụ thực sự bất ngờ khi ông ta nhanh chóng ưng mắt và mua ngay món đồ mà ông ta hỏi giá và còn được đưa đón bằng một con xe sang trọng cùng một tên tài xế người Tây. Dưới sự ngạc nhiên của cụ thì người bạn đồng hương cũng thoải mái chia sẻ về phong cách người Sài Gòn có phong cách bình dị, đơn giản như thế nào.
Chia sẻ của nhiều người khác xứ mới vào miền Nam sinh sống thì trong mắt họ người Sài Gòn vẫn là những người “chân còn lấm phèn” nhưng qua lối sống hằng ngày hay ở một thời gian dài ở cái xứ “hòn ngọc Viễn Đông” thì nơi đây con người vẫn thật thà bình dị, người ta thoải mái sống không bị gò bó phong tục lễ nghi như dân Bắc và Trung.
NGƯỜI SÀI GÒN XƯA “NHÀ QUÊ” VỚI NHỊP SỐNG THÀNH THỊ
Đối với cái nơi mà ai cũng lưu lại thì có một quan điểm cho rằng: “Ở cái đất Sài Gòn lâu cũng chưa chắc gì có thể trở thành người Sài Gòn chính hiệu”. Người Sài Gòn dù đi đâu cũng ăn mặc giản dị, dù người giàu hay khá giả, vào khoảng thời gian sau giải phóng, ta có thể bắt gặp những hàng quán rong trên khắp con phố. Có thể thấy được sự thoải mái phóng khoáng qua cách thức người ta ngồi ăn bên những quán vỉa hè, dù mang tiếng là ở thành thị thời đó nhưng người dân miền Nam ở đây đều ngồi “chồm hổm” hay gác một chân lên ghế trông rất “nhà quê” nhưng lại rất thoải mái.
Người Sài Gòn xưa hồn nhiên năng động, dù có sống ở thành thị nhưng vẫn rất dân dã, bình thường. Một số người dân miền khác vào ở Sài Gòn để làm ăn, dù có hộ khẩu ở Sài Gòn nhưng họ vẫn giữ được sự mộc mạc như nơi mà họ đã sinh ra. Người Sài Gòn hễ đi đâu cũng có những câu chào hỏi gần gũi, hay gọi nhau bằng cái tên biệt danh mà từ trước khi vào Sài Gòn họ đã được đặt như “Tư Miệt Vườn, Hai Lúa, Bà Ba, Dì Tám, Chú Mười,…” nghe rất “quê” nhưng họ gọi nhau đơn giản vì cảm giác thân thuộc ở thành thị.
Từ hiện tại hay cho đến quá khứ thì con người ở Sài Gòn vẫn ít thay đổi, ở những con người nơi đây vẫn giữ cho mình lối sống đơn giản, nhẹ nhàng, không màu mè. Nơi đầy nhộn nhịp như thành thị khiến con người ta cảm thấy ngột ngạt và phải chạy đua với dòng đời, nhưng những con người Sài Gòn xưa vẫn thể hiện một sự “nhà quê” giữa thành phố xa hoa thật khiến người khác xứ vừa đến đã “yêu” ngay cái nơi này và những con người sống ở đây.