Trước những năm 1975, cánh nghệ sĩ thi sĩ Sài Gòn không ai là không biết ông Trường Kỳ. Ông là một người có tiếng nói trong nền văn chương, thi ca khi đó. Nhờ vậy mà cái tên quán cơm “Bà Cả Đọi” do ông giới thiệu vẫn còn lưu truyền cho đến ngày hôm nay. Nào cùng Đỡ Buồn tìm hiểu về hương vị Bà Cả Đọi đã từng làm mê lòng biết bao người Sài Gòn khi xưa nhé!
NGUỒN GỐC TÊN GỌI QUÁN CƠM NỨC TIẾNG SÀI GÒN XƯA
Bà Cả tên thật là Hoàng Thị Túc, là người Làng Đồng Nhân nay thuộc tỉnh Hà Đông – Hà Nội. Chồng bà là Đinh Văn Viêm cũng là người cùng làng, hai người cưới nhau năm 1948 và cùng vào Nam sinh sống và lập nghiệp. Hai người có với nhau 6 mặt con, cứ nghĩ là mọi chuyện êm đềm cho đến khi chồng bà đột ngột mất vào những năm sau đó. Mọi trách nhiệm nuôi nấng được đổ dồn lên vai bà và cũng từ đây năm 1960 bà mở quán cơm kiếm sống.
Với tài nấu ăn sẵn có, không ít thực khách đã đến đây thưởng thức các món ăn của bà. Từ những nhà báo, nghệ sĩ, cho đến những người dân lao động lâu dần quán cơm của bà ngày càng có nhiều khách quen. Có lẽ phần vì hương vị cơm Bắc độc đáo, phần vì người ta quen với dáng vóc người phụ nữ tốt bụng, tần tảo sớm hôm mà luôn ghé qua đây để thưởng thức.
Quán cơm Bà Cả Đọi được biết đến nhiều cũng bởi sự giúp đỡ ông Trường Kỳ – người mà sau này bà và con bà đều gọi dưới cái tên Cậu Kỳ. Nhờ ông truyền tai bạn bè là những người văn, nghệ sĩ lúc bấy giờ với câu nói “Không biết quán Bà Cả Đọi, không phải dân chơi” mà quán dần được biết đến nhiều hơn. Cũng vì tò mò, phần vì món cơm ngon mà người ta ngày càng tìm đến nhiều hơn làm sôi nổi hẳn cả một con hẻm lao động ngày đó.
Những ngày đầu tiên quán cơm cũng chưa mang cho mình cái tên Cơm Bà Đọi quen thuộc mọi người vẫn thường hay gọi. Trong một lần đến đây dùng cơm Cậu Ký vẫn thấy quán cơm tuy đông nhưng chưa có một cái tên. Thế là cậu nghĩ cho quán một cái tên là “Bà Cả Đọi”, từ “đọi” như một cách nói lái vui tai của từ “đói” nghe rất vui tai độc đáo nhưng cũng không thiếu sự gần gũi. Người ta cứ gọi như thế mãi rồi thành quen cái tên đó được đặt cho quán cơm của bà.
Không chỉ nổi tiếng bởi món cơm ngon, người ta đến đây cũng bởi sự mến mộ bởi sự tốt bụng của bà. Những người đến đây như sinh viên, công nhân, nghệ sĩ… với vẻ đìu hiu, buồn bã bà dường như cũng biết ý bảo: “Các cháu cứ ăn đi, ghi sổ hôm nào có tiền trả cũng được” cứ vậy cuốn sổ ghi thiếu của bà cứ dày qua năm tháng. Những người khó nhọc sau công thành danh toại đều ghé đến đây thăm bà vào những ngày sau này.
Thế mới thấy tình người ở Sài Gòn những ngày trước đã từng nồng hậu, đồng lòng ra sao.
HƯƠNG VỊ KHÔNG PHAI QUA GIAI ĐOẠN NỬA THẾ KỶ VẪN CÒN ĐỌNG Ở SÀI GÒN
Quán cơm Bà Cả Đọi phục vụ những món cơm như thịt kho, trứng đúc, heo quay, gà luộc… với một hương vị rất đỗi đồng quê. Đặc biệt bà có món canh cua rau đay vô cùng ngon miệng mà ai đến đây cũng mong được thưởng thức. Sau này vì để lưu giữ những bí quyết nấu ăn mà bà đã truyền nghề lại cho các con của mình, cũng nhờ vậy mà thế hệ tiếp theo vẫn tiếp nối bà mang đến cho Sài Gòn một hương vị cơm ngon nổi tiếng xa gần.
Sau này con hẻm 53 Nguyễn Huệ khi xưa mà bà bán cơm đã bị bán lại cho các công ty bất động sản. Vì vậy bà đã chuyển sang địa điểm mới là 11 Tôn Thất Thiệp – Quận 1 để duy trì quán cơm đồng thời cũng đã giao cho cô con gái lớn tiếp quản lại quán. Hương vị bà truyền lại nhiều món vẫn mang hương vị Bắc, nhưng một số món cũng đã lai vị miền Nam để phù hợp với khẩu vị người Nam trong này.
Dù thời gian qua đi mang theo ít nhiều sự thay đổi. Nhưng những giá trị của Bà Cả Đọi về tình yêu thương, sự tảo tần, tốt bụng của bà sẽ vẫn còn mãi trong ký ức của những người Sài Gòn khi đó.