Cái tên “Chương Dương”, có lẽ chẳng quá xa lạ với mỗi người chúng ta. Từ trẻ đến già, từ những thế hệ cũ cho đến những thế hệ mới nghe đến “Chương Dương” là nghe đến xá-xị. Nào cùng Đỡ Buồn tìm hiểu và nhìn lại lần nữa lịch sử lâu đời của cái tên thương hiệu này nhé!
TIỀN THÂN CỦA MỘT THƯƠNG HIỆU XÁ-XỊ ĐÃ TỒN TẠI TỪ HƠN NỮA THẾ KỈ TRƯỚC
Trước những năm 1975, ở miền Nam đã ra đời một loại nước xá xị hiệu Con Cọp (BGI) nổi tiếng với câu quảng cáo lúc bấy giờ:
“Nước ngọt con cọp ở đâu
Đó là khỏe mạnh sống lâu yêu đời”
Tiền thân của Chương Dương được xuất phát từ việc xây dựng một nhà máy mang tên USINE BELGIQUE được ra đời vào năm 1952 thuộc sở hữu của tập đoàn nước giải khát nước Pháp BGI (Pháp).
Kể từ khi khánh thành nhà máy sau hơn 20 năm thương hiệu nước ngọt Con Cọp do nhà máy sản xuất đã trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Đến những năm 1975 nhà máy đã phải đóng cửa vì thiếu nhiên liệu để sản xuất. Sau 2 năm kể từ lúc đóng cửa nhà máy đã được quốc hữu hóa với cái tên mới Nhà máy nước ngọt Chương Dương và tồn tại cho đến ngày nay.
Trước khi xây dựng nhà máy vào năm 1952, BGI đã được thành lập tại Sài Gòn vào năm 1875 bởi một viên sĩ quan người Pháp tên Victor Larue. Ông đã đặt tên công ty dựa trên chữ cái đầu của Brasseries Glacières d’Indochine (có thể hiểu đơn giản là Hãng bia và nước đá Đông Dương). Ban đầu được lập ra chủ yếu để sản xuất nước đá mãi đến sau này được chuyển đổi sang sản xuất nước giải khát.
Vào năm 1952, khi hãng hoàn tất xây dựng nhà máy thì hãng đã có cho mình 3 sản phẩm chính là nước ngọt Con Cọp, Bia 33 Export và bia La-de trái thơm.
SỰ XUẤT HIỆN CỦA NƯỚC NGỌT CON CỌP
Vào những ngày đầu của nước ngọt Con Cọp trên thị trường lúc bấy giờ vẫn còn có những cái tên khác như Phương Toàn (Nước ngọt Con Nai), CocaCola (Birelay’s) hay cả Pepsi cũng tham gia thị trường này.
Hồi đó nước ngọt Con Nai và nước ngọt Con Cọp là phổ biến hơn cả. Bất kỳ hàng quán bán khi ấy đều có thể dễ dàng tìm được hai loại nước ngọt này. Nước ngọt Con Nai thời kỳ đó do một công ty quốc nội là Phương Toàn sản xuất ở Chợ Lớn với chủ quản lý là một người Hoa. Khi đó nước ngọt Con Nai chỉ đứng sau nước ngọt Con Cọp về thị phần tại miền Nam Việt Nam.
Khác với BGI và Phương Toàn đa phần khách hàng là tầng lớp bình dân được ưa chuộng khi đó. CocaCola với sản phẩm là Bireley’s – nước ngọt màu vàng, vị nước cam không ga lại dành cho phần lớn tầng lớp là trung lưu và thượng lưu. Đây được xem là loại nước ngọt truyền thống đã có từ lâu đời của CocaCola. Song song bên cạnh đó CocaCola còn có thương hiệu Fanta và Sprite với nhiều mùi vị trái cây độc đáo đặc trưng.
Sau một thời gian, hãng Pepsi cũng nối tiếp vào thị trường miền Nam. Nhưng sau đó đã không thể cạnh tranh lại được với hãng BGI và Phương Toàn. Bởi tính phổ biến của Pepsi cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ Phương Toàn. Dẫn đến việc thiếu nguồn cung vỏ chai từ đó không thể đong lại (refill) sản phẩm. Từ đó không thể sản xuất được và Pepsi đã phải rời bỏ thị trường sau đó.
NHỮNG HÌNH ẢNH CŨ VỀ CÁC HÀNG BÁN NƯỚC NGỌT CỦA SÀI GÒN XƯA
Hương vị xá xị Con Cọp 50 năm trước được miêu tả là giống như rootbeer, đầu cọp xanh gọi là bạc hà. Vị bạc hà uống the the, lại nhiều ga sẽ dễ sặc nếu uống nhanh, chớp nhoáng. Hương vị của nước ngọt Con Cọp được đánh giá là dịu nhẹ, ngọt thanh thơm mùi xá xị rất dễ uống, có lẽ vì vậy mà đã để lại ấn tượng độc đáo trong lòng của những người con Sài Gòn lúc đó.
Khác với hương vị nước ngọt Con Cọp nước ngọt Con Nai của Phương Toàn lại có vị như Dr pepper thêm Vanilla phù hợp với đa số khẩu vị người Việt bấy giờ. Còn Bireley’s của Coca Cola lại là hương vị nước cam vàng không ga (carbonated) với kích cỡ chai gọn nhẹ, mấy nàng lại sử dụng nhiều hơn là các quý ông.
Dù đã trải qua bao thăng trầm của thời gian nhưng có lẽ nước ngọt Con Cọp và những nước ngọt thời đó đã mang lại một hương vị độc đáo đặc biệt mà có lẽ giờ đây khi nhắc lại vẫn còn gây bồi hồi trong lòng những người Sài Gòn thứ thiệt thời đó.