TRƯỜNG ĐUA PHÚ THỌ – MỘT THỜI LỪNG LẪY

Trường đua Phú Thọ

Trường đua Phú Thọ là một trong những trường đua ngựa lớn nhất nhì tại khu vực Đông Nam Á, nơi đây sở hữu khuôn viên rộng rãi với tổng diện tích lên đến hơn 400.000 m2 cùng với đó là lối kiến trúc mang đậm phong cách Châu Âu. Chính vì lý do này, mà trường đua ngựa này thu hút được rất nhiều tầng lớp người dân tại lục tỉnh Nam Kỳ tại thời điểm lúc bấy giờ. Để biết thêm nhiều thông tin về chốn “đỏ đen” một thời của người dân Sài Gòn thì bạn hãy cùng Đỡ Buồn đọc qua bài viết dưới đây nhé!

MỘT THỜI “VÓ NGỰA UY PHONG” CỦA NGƯỜI DÂN SÀI GÒN XƯA

Trường đua Phú Thọ - địa điểm “đỏ đen” khét tiếng của đất Gia Định xưa
Trường đua Phú Thọ – địa điểm “đỏ đen” khét tiếng của đất Gia Định xưa.

Vào năm 1906, ông Jean Duclos – một doanh nhân người Pháp đã mang loại hình đua ngựa về Việt Nam để kinh doanh, ông mang khoảng 8 con ngựa khỏe mạnh có nguồn gốc từ các nước Trung Đông đến đất Sài để tổ chức cuộc thi đua ngựa. Loại hình giải trí này nhanh chóng thu hút được rất nhiều sự quan tâm của giới thượng lưu và quý tộc tại thời điểm lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, đến khoảng vài tháng sau đó loại hình đua ngựa này không còn dùng để giải trí “tinh thần” theo đúng nghĩa của nó nữa, mà thay vào đó ông Jean Duclos tích hợp thêm hình thức cá độ (tương tự như cờ bạc). Nhờ vào sự thay đổi này, đã giúp cho vị thương gia người Pháp thu về số tiền khổng lồ.

Hình ảnh người dân Sài Thành và các tỉnh khác ngồi bàn luận phía bên trong trường đua
Hình ảnh người dân Sài Thành và các tỉnh khác ngồi bàn luận phía bên trong trường đua.

Giai đoạn Chiến tranh Thế Giới diễn ra, trường đua ngựa này tạm thời bị dừng hoạt động đến năm 1920. Sau khi cuộc chiến này dần ổn định thì người dân Sài Thành bắt đầu sinh hoạt như thường lệ và có rất nhiều người vẫn giữ niềm đam mê “làm giàu” mãnh liệt từ bộ môn đua ngựa này, nhận thấy được tiềm năng kinh doanh nên Trường đua Phú Thọ được ra đời và khởi công xây dựng vào năm 1932 dựa trên ý tưởng của nhóm người Pháp thuộc hội “Đua ngựa Sài Gòn”. Trường đua này là một trong những địa điểm ăn chơi khét tiếng của các tầng lớp tại đất Nam Kỳ.

Trường đua Phú Thọ nằm trên mảnh đất rộng khoảng 44ha tại địa phận khu vực mang tên là Phú Thọ (ngày nay là các tuyến đường Lê Đại Hành và Lý Thường Kiệt tại Q.11). Trước đây, khu đất này là nơi an táng những người đã khuất, nhưng khi công trình này được triển khai xây dựng thì Hội đã cho di dời hài cốt sang nơi khác để cải táng lại. Sau 4 năm khánh thành và đi vào hoạt động chính thức thì trường đua Phú Thọ nhanh trở thành một trong những nơi được người dân đất Sài và Lục tỉnh Nam Kỳ thường xuyên lựa chọn để lui tới.

Hình ảnh người dân hào hứng xếp hàng trước trường đua Phú Thọ
Hình ảnh người dân hào hứng xếp hàng trước trường đua Phú Thọ.

Năm 1935, tác giả Hồ Biểu Chánh đã đưa cảnh dòng người nhộn nhịp đi xem đua ngựa tại trường đua Phú Thọ và tác phẩm “Ở theo thời” của mình. Ông miêu tả rằng khi gần đến trường đua thì đập vào mắt người nhìn đầu tiên là hàng loạt xe ngựa, xe hơi và xe máy đứng chật hai bên đường, tiến bước vào phía bên trong khán đài thì người dân chen nhau để mua được giấy cá cược và đa phần là người dân An Nam (ý chỉ người đất Sài và một số tỉnh lân cận). Ngoài ra, ông cũng ví von rằng số lượng người đến xem như “đàn ong vỡ tổ” không chỉ ở hạng ghế ngồi và hạng đứng phía ngoài trời cũng chật kín kẻ qua người lại, đặc biệt là hơn phân nửa là phụ nữ.

Khung cảnh cá cược của người dân tại trường đua cũng được ông Hồ Biểu Chánh mô tả một cách đầy sống động như: “Mới vừa đặt chân vào khán đài, tưởng vì thiên hạ có lòng xem ngựa đua nên mới chịu chi tiền như đi xem nhạc. Nhưng té ra, một lúc sau khi cuộc đua bắt đầu thì nghe tiếng xì xầm bàn luận về ông này đặt cược con ngựa số 1 gần chục đồng, còn bà kia cá con ngựa khác hơn ba chục đồng và còn có người lại bỏ hơn năm ba trăm đồng để thỏa mãn cái thói “cờ bạc” của mình”.

CON DÂN TỪ LỤC TỈNH ĐẾN SÀI GÒN QUY TỤ NƠI TRƯỜNG ĐUA

Khung cảnh “kẻ đứng người ngồi” trước khi cuộc thi đua ngựa bắt đầu tại trường đua Phú Thọ
Khung cảnh “kẻ đứng người ngồi” trước khi cuộc thi đua ngựa bắt đầu tại trường đua Phú Thọ.

Trường đua Phú Thọ không những có lượng người tham gia đông đảo mà nơi đây còn quy tụ những con tuấn mã khoẻ mạnh và có giá trị hàng đầu Châu Á. Ngựa sẽ được chia thành nhiều hạng mục cự ly đua khác nhau như 800m, 1000m, 1200m, 1700m và 2400m cùng với cự ly dài nhất là 3000m. Ở mỗi độ dài mà ngựa đua thì mức giá cá cược lại có sự chuyển biến và bất kể “đờn bà” hay “đờn ông” đều có quyền đưa ra mức tiền bỏ ra cho con ngựa mà họ chọn. Việc thắng thua tại trường đua này có lẽ là việc quá đỗi bình thường người vui như hội, còn người thì ảm đạm buồn hiu là những câu văn được nhà văn Hồ Biểu Chánh thêm vào trong tác phẩm của mình.

Những năm trước giải phóng “sức nóng” của trường đua Phú Thọ chưa bao giờ có dấu hiệu hạ nhiệt. Nơi đây, vinh dự được xếp hạng cao trong những trường đua nổi tiếng tại Châu Á và cũng vì thế mà mỗi cuộc đua ngựa tại địa điểm này đều có hàng ngàn người từ những nơi khác nhau nô nức đến tham dự. Vào khoảng năm 1954, trường đua này được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tiếp quản.

Trường đua Phú Thọ vào đầu những năm 1960
Trường đua Phú Thọ vào đầu những năm 1960.

Nhiều thống kê vào đầu những năm 60, trường đua này nuôi dưỡng và chăm sóc khoảng gần 200 con ngựa đua. Với con số lên đến hàng trăm nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng được nhưng nhu cầu của người dân đất Sài tại thời điểm này. Để tiếp tục các hoạt động, thì trường đua phải dùng đến thượng sách thuê thêm ngựa kéo xe bên ngoài để duy trì đủ số lượng ngựa tham gia thi đấu.

Đầu những năm sau giải phóng, trường đua Phú Thọ một lần nữa bị dừng hoạt động do nhiều yếu tố xã hội tác động. Cho đến năm 1989 thì nơi này được khôi phục lại dưới cái tên là Câu lạc bộ thể thao Phú Thọ, nhờ vào các hoạt động thể dục thể thao được mở rộng đã mang về nguồn lợi nhuận khủng cho chính quyền Sài Gòn.

Toàn cảnh trường đua Phú Thọ được chụp từ trên cao
Toàn cảnh trường đua Phú Thọ được chụp từ trên cao.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2011, theo chủ trương và dự luật mới của Đảng và Nhà nước mà trường đua Phú Thọ bị đóng cửa hoàn toàn để nhường chỗ xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu chất lượng cao tại TP. HCM. Vậy là hơn 80 năm hình thành và phát triển thì trường đua Phú Thọ vẫn là một trong địa danh lẫy lừng trong lòng mọi thế hệ người dân các tỉnh Nam Kỳ nói chung và Sài Gòn nói riêng.

Dù trường đua Phú Thọ ngày này đã có nhiều thay đổi trong cách thức hoạt động và kết cấu hạ tầng nhưng những giá trị tinh thần và lịch sử ở nơi đây vẫn còn được gìn giữ một cách nguyên vẹn nhất. Vì thế nếu có cơ hội đến với Sài Gòn thì bạn đừng quên “ghé chơi” để có những trải nghiệm thú vị tại địa điểm này nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo
Hotline
Zalo Zalo
Hotline Hotline