LÒ GỐM HƯNG LỢI – DI TÍCH KHẢO CỔ CẤP QUỐC GIA HƠN 300 NĂM BỊ BỎ PHẾ?

Lò gốm Hưng Lợi.

Nằm gần ngay trong trung tâm Sài Gòn náo nhiệt, chỉ cách khoảng 15 phút đi xe máy là có một lò gốm cũ với tuổi đời hơn 300 năm, được công nhận là di tích khảo cổ học mang trong mình những giá trị lịch sử lâu đời nhưng lại đang dần bị lãng quên. Vậy di tích đó ở đâu? Chúng ta hãy cùng Đỡ Buồn tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

KHU DI TÍCH KHẢO CỔ HƠN 300 NĂM Ở SÀI GÒN BỊ LÃNG QUÊN 

Chỉ cách trung tâm TP HCM gần 10km, lò gốm cổ Hưng Lợi tại quận 8 là một trong hai di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Theo các chuyên gia nghiên cứu và khảo cổ về lịch sử lâu đời cho rằng tuổi đời của lò gốm Hưng Lợi này đã phải hơn 300 năm. Đây cũng là nơi lưu lại nhiều dấu tích lịch sử văn hóa Sài Gòn thuở sơ khai. Đáng buồn thay, một nơi mang đậm lịch sử nước nhà giờ đã trở nên hoang tàn, mất đi sự rực rỡ của một làng nghề truyền thống Việt Nam.

Những viên gạch còn sót lại của lò gốm Hưng Lợi.
Những viên gạch còn sót lại của lò gốm Hưng Lợi.

Trong khu vực nội thành của Sài Gòn, lò gốm Hưng Lợi là một trong những di tích khảo cổ học hiếm hoi nhưng chưa được trùng tu, hiện đang bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng. Lò gốm Hưng Lợi nằm sâu bên trong những con hẻm nên rất khó tìm, di tích cũng mất đi vẻ đẹp vốn có giờ đây chỉ là mảnh đất trơ trọi rộng khoảng 800m2. Xung quanh được bao bọc bởi bức tường cao, cây cối mọc um tùm, ngổn ngang rác thải lẫn gạch, vụn đất nung, mảnh sành… phần đất trống gần đó bị người dân dùng làm sân phơi quần áo, trồng rau khiến nơi đây khá bừa bộn, khó mà tin được nơi đây từng là là nơi có làng nghề phát triển rực rỡ.

Theo lời cư dân địa phương kể lại, hơn 20 năm trước cơ quan chức năng đã phát hiện ra lò gốm và tổ chức khai quật. Họ cũng làm mái che bằng tôn cho khu lò nung nhưng lại thiếu người trông coi nên chỉ một thời gian ngắn sau bị kẻ gian vô trộm mất mái che nên lò nung lại trở nên xuống cấp do chịu mưa nắng.

Vẻ đẹp của lò gốm Hưng Lợi dần mất đi do sự thờ ơ của người dân và chính quyền.
Vẻ đẹp của lò gốm Hưng Lợi dần mất đi do sự thờ ơ của người dân và chính quyền.

Là khu vực ít người qua lại nên lò gốm trở thành địa điểm lý tưởng cho các con nghiện và các nhóm bài bạc sử dụng để tổ chức đá gà, chích thuốc. Với nỗ lực của cơ quan chức năng, các tệ nạn diễn ra tại lò gốm cũng dần dần giảm bớt nhưng nơi đây vẫn tràn ngập rác thải sinh hoạt bị cư dân lén đem ra đây vứt.

Theo phó chủ tịch UBND quận 8 – ông Lê Minh Tâm cho biết rằng vào giai đoạn những năm 1997-1998, khu di tích lò gốm Hưng Lợi đã được các chuyên gia biết tới và tiến hành khảo cổ. Tuy nhiên hiện nay di tích này bị hư hại nặng nề, rơi vào cảnh bỏ hoang nhưng do thiếu kinh phí để tu sửa, trùng tu nên địa phương cũng không thể tiến hành sửa chữa.

Khu di tích lò gốm Hưng Lợi hiện còn đang dính vào vụ kiện tụng, tranh chấp đất đai với một cụ bà 61 tuổi là cư dân sinh sống tại nơi đây. Ủy ban nhân dân phường nhiều lần lập đoàn công tác xuống để xác định, cắm mốc ranh giới nhưng cụ bà không đồng tình vì bà cho rằng khu đất này thuộc sở hữu gia đình bà từ năm 1946-1947. Nếu Nhà nước muốn dùng khu đất này để làm di tích thì phải bồi thường cho bà một khoản tiền xứng đáng, hiện nay bà vẫn đang tiếp tục khiếu kiện.

Sự hoang tàn của lò gốm sau khi bị tranh chấp và không được chính quyền bảo vệ.
Sự hoang tàn của lò gốm sau khi bị tranh chấp và không được chính quyền bảo vệ.

Trong sách “Gia Định thành thông chí”- một tài liệu sử học quan trọng về Nam Bộ thời nhà Nguyễn của tác giả Trịnh Hoài Đức có nhắc đến địa danh Lò Gốm trong sự kiện đào kênh Ruột Ngựa năm 1772. Theo bản đồ thành Gia Định, khu vực làng Phú Lâm – Phú Định được xác nhận là có địa danh Xóm Lò Gốm.

Theo một số tài liệu của Pháp cũng ghi chép rằng làng gốm có hơn 30 lò tập trung ở làng Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai… Nơi đây là nơi sản xuất ra những sản phẩm nổi tiếng, phân phối đi khắp Sài Gòn và các tỉnh miền Tây lúc bấy giờ.

Lò gốm Hưng Lợi vào thời kỳ sản xuất gốm nhiều nhất.
Lò gốm Hưng Lợi vào thời kỳ sản xuất gốm nhiều nhất.

Vì công đoạn sản xuất nối tiếp để cho ra được thành phẩm nên yêu cầu thiết kế ba lò nối san sát nhau nên nhìn chung khu lò gốm cũng có cấu trúc khá phức tạp. Lò gốm Hưng Lợi có các nhóm sản phẩm chính từ lu, chậu bông dùng để trang trí đến các vật dụng hàng ngày như thìa, ấm trà, tô đĩa. Các sản phẩm được chế tác từ lò gốm Hưng Lợi có độ hoàn thiện cao, đa dạng hoa văn lẫn loại men, từ loại men xanh trắng thông dụng đến các loại men nhiều màu đều được sản xuất.

Lò gốm thời xưa với kiến trúc độc đáo và phức tạp, cho ra đời các sản phẩm đẹp mắt.
Lò gốm thời xưa với kiến trúc độc đáo và phức tạp, cho ra đời các sản phẩm đẹp mắt.

Vào đầu những năm 1940, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa lẫn các sự kiện lịch sử tác động khiến nhiều lò gốm, lò gạch chao đao đến giai đoạn kết thúc. Các làng nghề truyền thống không còn được coi là quan trọng nữa, thay vào đó là nhường chỗ cho các trung tâm thương mại, phố chợ tấp nập. Các thợ gốm, thợ gạch phải chuyển nơi làm việc về các vùng ven hay sản xuất sản phẩm ra các tỉnh lân cận.

NHỮNG HÌNH ẢNH HIẾM HOI CỦA KHU DI TÍCH KHẢO CỔ MỚI ĐƯỢC KHAI QUẬT Ở SÀI GÒN NHỮNG NĂM 90S

Hiện nay, lò gốm Hưng Lợi là nơi duy nhất được khai quật và công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia trong nội thành TP. HCM. Đáng buồn thay, đợt khảo sát vào năm 1997 tại lò gốm Hưng Lợi phát triển một thời nay rất hoang tàn, đổ nát. Di tích cấp quốc gia chỉ còn là một gò đất nhô cao tầm 5m. Trên gò đất này mọc rất nhiều cây cối um tùm, hoang dại, xung quanh thì một phần di tích phía Bắc đã bị người dân san phẳng làm nơi mai táng cho người thân, một phần phía Nam đã bị sụp dần.

Những chiếc bình gốm còn sót lại.
Những chiếc bình gốm còn sót lại.

Năm 1999, sau khi lò gốm Hưng Lợi được công nhận là di tích lịch sử quốc gia tưởng chừng như nơi đây đã bắt đầu được quan tâm trở lại nhưng chỉ được một thời gian ngắn được bảo vệ rồi tiếp tục bỏ mặc, lò gốm Hưng Lợi đã không thể khôi phục được vẻ đẹp rực rỡ xứng đáng với danh xưng được giao cho. 

Thời gian đầu chính quyền địa phương cũng cho xây dựng bờ tường bằng lưới sắt và một cái cổng có bảng hiệu Khu Di tích lò gốm Hưng Lợi. Nhưng sau đó do tranh chấp đất đai và bị trộm cắp nên bảng hiệu và mái che đã bị tháo xuống, giờ đây chỉ còn lại một đống đổ nát, rong rêu phủ đầy. Ngay cả phần quan trọng nhất của di tích là lò gốm cũng bị sụp lún nghiêm trọng, biến dạng đến mức khó có thể nhận ra đây từng là lò gốm nổi tiếng.

Toàn cảnh lò gốm Hưng Lợi.
Toàn cảnh lò gốm Hưng Lợi.

Sự hoang tàn của lò gốm Hưng Lợi là một sự tiếc nuối lớn cho thành phố Hồ Chí Minh khi mất đi một di tích lịch sử, lò gốm Hưng Lợi xứng đáng nhận được sự quan tâm hơn từ chính quyền địa phương, và quan trọng nhất là cần sự bảo vệ của chính người dân nơi này để nó có thể phần nào được khôi phục và tiếp tục lưu giữ những giá trị lịch sử quý báu cho thế hệ mai sau.

Kết thúc bài viết này với nhiều sự tiếc nuối, Đỡ Buồn hy vọng thông qua những thông tin bổ ích phía trên, có thể truyền tải cho bạn đọc phần nào về một di tích khảo cổ đặc sắc ngay tại Sài Gòn mà đang dần dần bị quên lãng và hy vọng nơi đây có thể được sự quan tâm, bảo vệ từ chính quyền và cư dân để nhanh chóng khôi phục lại vẻ đẹp ban đầu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo
Hotline
Zalo Zalo
Hotline Hotline